Tiến sĩ của ngư dân
TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản là người gắn bó với công việc, đam mê nghiên cứu, chế tạo nhiều thiết bị, sáng tạo nhiều giải pháp ứng dụng đáp ứng chính xác nhu cầu thực tiễn của ngư dân, đạt hiệu quả cao.
TS Trần Văn Vinh đang nghiên cứu, sáng chế hệ thống đèn báo hàng hải, thông tin liên lạc, điện sinh hoạt trên tàu cá điều khiển tự động sử dụng điện năng lượng mặt trời.
Trần Văn Vinh sinh ra và lớn lên ở vùng biển xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, có lẽ nhờ vậy nên anh hiểu rõ đời sống của ngư dân, để rồi khi lớn lên anh trở thành “tiến sĩ của ngư dân”. Với cương vị công tác là Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), nhiệm vụ chính của TS Trần Văn Vinh là giúp Chi cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực quản lý tàu cá của tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, TS Vinh cùng các đồng nghiệp trong đơn vị đã hoàn tất thủ tục đổi số đăng ký mới, kiểm tra an toàn kỹ thuật cho hàng chục nghìn lượt tàu cá của ngư dân Bình Định, nhằm quản lý chặt chẽ về số lượng tàu cá trong tỉnh, gắn việc cấp phép hoạt động khai thác và giám sát hoạt động khai thác thủy sản, nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tàu cá trước khi ra khơi tham gia khai thác thủy sản.
Với những đóng góp cho ngành Thủy sản tỉnh, từ năm 2015 đến nay, TS Trần Văn Vinh đã được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích công tác từ năm 2016 - 2017; đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh giai đoạn 2014 - 2016; bằng khen giải nhất hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bình Ðịnh lần thứ X (2016 - 2017), lần thứ XI (2018 - 2019); bằng khen của Tổng LÐLÐ Việt Nam về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh năm 2018.
Không chỉ kiểm tra, thực hiện thủ tục đăng kiểm cho tàu cá neo đậu trong tỉnh; anh cùng đồng nghiệp đã không ngại khó khăn để đến những nơi tàu cá Bình Định đang neo đậu tại các tỉnh, thành như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang… thực hiện thủ tục đăng kiểm tàu cá cho ngư dân. Tính đến năm 2019, cả tỉnh có 6.115 tàu đăng ký, trong đó, có hơn 3.100 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động đánh bắt thủy sản tại vùng khơi theo Luật Thủy sản; Chi cục Thủy sản đã kiểm tra an toàn kỹ thuật cho 3.665 tàu cá.
TS Trần Văn Vinh, cho biết: Cùng với việc chú trọng thực hiện công tác đăng ký, đăng kiểm quản lý tàu cá, Chi cục thường xuyên phối hợp các ngành chức năng, chính quyền, hội - đoàn thể địa phương tổ chức tập huấn các quy định về đảm bảo an toàn tàu cá, nghiệp vụ hàng hải, kỹ năng xử lý một số sự cố xảy ra trong quá trình khai thác, huấn luyện sơ cấp cứu cho bà con ngư dân khi tham gia hoạt động sản xuất trên biển, góp phần đưa công tác quản lý tàu cá của tỉnh trong giai đoạn 2015 - 2020 từng bước đi vào nề nếp, được hệ thống hóa để kịp thời cung cấp thông tin biến động tàu cá cho các ngành liên quan, chính quyền các địa phương ven biển quản lý.
TS Trần Văn Vinh là người có nhiều công trình nghiên cứu “gãi đúng chỗ ngứa của ngư dân”, điển hình như: Máy phơi hải sản bằng năng lượng mặt trời; giải pháp nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương trong nghề câu tay kết hợp ánh sáng tại Bình Định; giải pháp quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô vùng biển ven bờ gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn; phương án Khai thác và vận chuyển cá ngừ đại dương theo mô hình Tổ đội cho dự án JICA... Những sáng kiến này đã được Hội đồng Sáng kiến cấp tỉnh công nhận là sáng kiến có tác dụng ảnh hưởng đối với tỉnh.
Với giải pháp nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương, TS Vinh đã cải tiến thi công, đưa vào sử dụng các thiết bị, gồm: Bộ ép cá bằng hơi, máy thu câu tự động, máy tạo xung làm ngất cá gắn trên tàu câu cá ngừ đại dương, nhằm giảm sự giãy dụa của cá trong quá trình khai thác và các tác động làm ảnh hưởng đến chất lượng thịt cá so với phương pháp cũ. Đến nay, các thiết bị nêu trên đã được ngư dân làm nghề câu cá ngừ đại dương trong tỉnh ứng dụng rộng rãi, góp phần tăng chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất cho ngư dân.
Riêng giải pháp quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô vùng biển ven bờ gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn của anh đã được Quỹ Môi trường toàn cầu phê duyệt tài trợ kinh phí 48.000 USD để thực hiện tại địa phương này từ tháng 9.2015 đến tháng 9.2017, giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái, tạo sinh kế thay thế cho ngư dân, giảm áp lực khai thác tại vùng biển ven bờ.
Ấn tượng nhất là nghiên cứu và thiết kế và chế tạo máy phơi hải sản bằng năng lượng mặt trời của anh. Chỉ với tổng chi phí làm ra một chiếc máy mất khoảng 40 triệu đồng, nhưng mang lại hiệu quả vượt trội cho người sử dụng. Năng suất tăng gấp 2 lần, giảm 50% nhân công so với phương pháp truyền thống. Thời gian sấy khô khoảng 5 giờ, giảm 3 giờ so với phơi bằng vỉ ngoài nắng, lợi nhuận tăng gấp 5,14 lần so với hộ gia đình sử dụng phương pháp truyền thống; giảm thiểu tác động về mùi hôi, vệ sinh môi trường do sản phẩm thủy sản khô gây ra tại khu dân cư.
Nghe tôi hỏi chuyện, TS Vinh chỉ cười cười: “Là dân biển nên tôi hiểu rõ nỗi vất vả và nhu cầu của bà con ngư dân. Khi tìm tòi những giải pháp, công trình nghiên cứu tôi đều hướng đến phục vụ đời sống ngư dân, cố gắng tìm tòi, sáng chế ra những máy móc, thiết bị, gắn với những giải pháp thiết thực dễ áp dụng, chi phí thấp, dễ nhân rộng cho bà con”.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN