Ðế quốc An Nam và người dân An Nam
Tập sách Đế quốc An Nam và người dân An Nam do Nhà xuất bản (NXB) Đà Nẵng ấn hành. Sách do nhà nghiên cứu Jules Silvestre, G.S Trường Khoa học Chính trị Paris cập nhật, chú thích và do dịch giả Phan Tín Dụng dịch, giới thiệu.
Nội dung cuốn sách là những bài viết tổng quan về địa lý, sản vật, kỹ nghệ, phong tục, tập quán An Nam của nhiều tác giả từng được đăng nhiều kỳ trên tờ Công báo Courrier de Saigon (Sài Gòn thư tín) vào 2 năm 1875 - 1876. Năm 1889, G.S Jules Silvestre, đã tiến hành định bản phần nội dung công bố trên báo để in thành sách. Ông đã viết thêm 8 đề mục và bổ sung một số chỉ dẫn nhằm cập nhật và hoàn thành vào năm 1859.
Các tác giả đã khá kỳ công thâm nhập thực tế và đặt chân đến khắp các tỉnh, thành xứ An Nam, qua đó ghi lại hình ảnh, tư liệu về đời sống, sinh hoạt làng xã và các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ, phong tục, tập quán, các thiết chế tôn giáo, chính trị của xứ An Nam. Đáng lưu ý, theo các tác giả, An Nam là một trong những cường quốc mạnh nhất châu Á đương thời, người dân An Nam được đánh giá là những người có trí tuệ, văn minh…
Đế quốc An Nam và người dân An Nam có khá nhiều thông tin, tư liệu liên quan đến Quy Nhơn, Bình Định và triều Tây Sơn. Chẳng hạn, trong phần giới thiệu về xứ Đàng Trong, các tác giả xác định: Cùng với Nha Trang, Faifo (Hội An), Qui Nhơn là một trong 3 trung tâm quan trọng nhất. Sách viết: “Đối với Đàng Trong, là Nha Trang, nơi người ta thấy một cảng tốt, báo hiệu một giao thương rộng lớn, một công trường xây dựng và những pháo đài; là Qui Nhơn, dân cư đông, một số công trình an ninh và một cửa biển…”. Đặc biệt, sách đánh giá khá cao 3 anh em Tây Sơn, nhất là vai trò của Nguyễn Huệ. Cụ thể: “Qua việc chiếm Gia Định, Long Nhương (tức Nguyễn Huệ) cho thấy mình là bá chủ của toàn bộ Hạ Đàng Trong. Bởi vì người này không chỉ là một chiến binh, ông ta đồng thời là một người cai trị rất giỏi, và rất khác với những vị tướng được Nhạc (tức Nguyễn Nhạc) phái đi, lần đầu tiên, ông ta biết cách nắm giữ cả xứ sở trong tay bằng việc thiết lập các đồn lũy chắc chắn, trên đất liền hoặc trên sông nước và bờ biển, và bằng kỷ luật nghiêm ngặt cũng như lòng nhân từ đối với dân chúng…”.
VIẾT HIỀN