Bình minh trên khu Đông
Từ trung tâm huyện Tuy Phước, theo tỉnh lộ 640, đi về hướng mặt trời mọc, 4 xã khu Ðông Tuy Phước nghiêng mình bên đầm Thị Nại. Ở nơi sông về với biển, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân cùng đồng lòng, phát huy lịch sử hào hùng, viết tiếp bài ca dựng xây, đổi mới.
Khu Đông huyện Tuy Phước gồm 4 xã: Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng.
Một góc khu dân cư thuộc xã Phước Thắng hôm nay.
Quật cường trong chiến tranh
Lịch sử đấu tranh hào hùng của nhân dân Bình Định có sự góp mặt của nhân dân Tuy Phước, nhân dân 4 xã khu Đông.
Tháng 11.1963, cùng với quân dân Tuy Phước, nhân dân thôn Huỳnh Giản (Phước Hòa) nổi dậy, vũ trang bằng gậy gộc, truy lùng, đuổi đánh ác ôn. Hơn 100 quần chúng đã phá dỡ nhà ấp trưởng Phan Ngọc Bá, đánh bị thương nặng mật vụ Nguyễn Thiều, phá vỡ từng mảng lớn hàng rào lập ấp chiến lược, thúc giục đồng bào quanh vùng nổi dậy, đánh phá ấp chiến lược.
Để đối phó chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, từ tháng 7 đến tháng 8.1964, các xã trong huyện Tuy Phước đã đồng loạt nổi dậy. Mở đầu là phong trào đồng khởi của xã Phước Sơn. Đêm 26.7.1964, hơn 800 quần chúng thôn Vinh Quang nổi trống, mõ, hò reo kéo về trụ sở thôn hợp cùng gần 400 cán bộ và cơ sở của 8 thôn khác trong xã bắt gọn bọn ngụy quân, ngụy quyền, xóa bỏ chính quyền địch.
Ngày 27.3.1975, Tiểu đoàn 50 và 52 cùng bộ đội huyện, du kích các xã tiến công địch ở Xuân Phương, cầu Mỹ Cang (Phước Sơn), Bình Lâm, Hữu Thành, Kim Xuyên, Kim Tây (Phước Hòa), Nhân Ân, Lộc Hạ (Phước Thuận). Phối hợp với tiến công quân sự, quần chúng nổi dậy, giải phóng các thôn còn lại của xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận. Liên tục trong 2 ngày, hơn 200 lượt quần chúng ở các thôn Phụng Sơn, Kỳ Sơn, Lộc Thượng (Phước Sơn) đã tiến công một trung đội dân vệ ở chốt Mỹ Cang và giải phóng hoàn toàn Phước Sơn vào trưa ngày 28.3. Ngày 29.3, quân và dân Tuy Phước tiếp tục vùng lên giải phóng các xã Phước Hòa, Phước Thuận, Phước An; tạo khí thế dâng lên, góp phần giải phóng các xã còn lại của Tuy Phước.
Dệt “áo mới”
Khu Đông Tuy Phước nức tiếng là một trong những vựa lúa của tỉnh. Nếu đã từng chứng kiến khu Đông ngâm mình trong nước trắng giữa mùa lụt, sẽ càng trân quý những cánh đồng vàng nơi đây. Bởi, thấm trong từng hạt lúa là ý chí cần lao của người nông dân. Với các chính sách khuyến nông, chuyển đổi cây trồng mùa vụ, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, áp dụng KHKT, cơ giới hóa ruộng đồng, năng suất nông nghiệp đã tăng lên. 2 năm trở lại đây, năng suất lúa bình quân đạt 13 - 14 tấn/ha/năm.
4 xã khu Đông đều có diện tích trải đều ven đầm Thị Nại, với nhiều ao, đìa, bờ cá, ruộng muối, ruộng cói… Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành những làng chài, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. Với gần 1.000 ha mặt nước đầm, nghề nuôi trồng thủy sản đã đem về cho khu Đông hàng chục tỷ đồng/năm.
Đi dọc tỉnh lộ 640 - trục giao thông huyết mạch nối liền 4 xã khu Đông với trung tâm huyện Tuy Phước và các vùng lân cận, chúng tôi phấn khởi trước những đổi thay của chính con đường và những khu dân cư xung quanh. Vùng trũng đã được tiếp sức, thay đổi diện mạo bằng những công trình thủy lợi, cầu cống, tràn, đập. 100% tuyến đường giao thông từ trung tâm các xã đến huyện đã được nhựa hóa và bê tông xi măng. Những con đường liên xã, liên thôn, lối vào những xóm nhỏ từng lầy lội trong mưa lũ nay đã khoác bê tông cứng cáp.
Những năm qua, các xã khu Đông đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ với tỷ trọng chiếm gần 55% trong cơ cấu kinh tế. Các cụm kinh tế kỹ thuật Kỳ Sơn (xã Phước Sơn), Gò Bồi (xã Phước Hòa) được quy hoạch, xây dựng bề thế. Chợ đầu mối Gò Bồi và chợ Mới Phước Sơn trở thành một trong những nơi giao thương quan trọng của các xã khu Đông và vùng lân cận.
Phát huy những tiềm lực, đưa khu Đông Tuy Phước ngày một vươn lên là một chặng dài đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược lâu dài và sự đồng tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân. Chính vì vậy mà tại Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 của các xã khu Đông Tuy Phước vừa qua, lãnh đạo huyện Tuy Phước đều nhấn mạnh: Đảng bộ các xã cần xác định đúng cơ cấu nền kinh tế, tập trung chỉ đạo khai thác tốt thế mạnh của một xã vùng ven đầm Thị Nại, phát triển nghề biển và nuôi trồng thủy sản, thương mại - dịch vụ.
NGUYỄN MUỘI