Kết nối truyền thống lịch sử với hiện tại
Nhiều năm trở lại đây, các địa phương, các ngành đã có sự đầu tư, nâng cấp và tổ chức các hoạt động để đưa nhà truyền thống các tổ chức Ðảng đầu tiên của tỉnh ngày càng xứng tầm với sứ mệnh lịch sử.
Đoàn lãnh đạo tỉnh do đồng chí Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh dẫn đầu cùng với cán bộ, nhân dân, ĐVTN TX An Nhơn dâng hương, dâng hoa tại Nhà tưởng niệm Chi bộ Hồng Lĩnh. Ảnh: HỒNG PHÚC
Đầu tư, nâng cấp
Năm 2014, từ vị trí tại khu trung tâm xã Nhơn Mỹ (TX An Nhơn), nhà truyền thống Chi bộ Hồng Lĩnh trở về với đúng nơi ra đời Chi bộ - núi Hòn Chùa (thôn Đại An, xã Nhơn Mỹ). Khu di tích Chi bộ Hồng Lĩnh có diện tích xây dựng 37.000 m2, với các hạng mục: Nhà tưởng niệm, nhà trưng bày di tích, nhà tiếp khách, bia di tích, đồi vọng cảnh, cổng ngõ, sân quảng trường… với tổng vốn đầu tư trên 27,8 tỷ đồng.
Đến năm 2016, công trình hoàn thành giai đoạn 1 với các hạng mục chính: Nhà tưởng niệm, nhà trưng bày di tích, nhà tiếp khách, cổng ngõ, sân quảng trường. Giai đoạn 2 đang được triển khai. Với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân An Nhơn, Khu di tích lịch sử Chi bộ Hồng Lĩnh là niềm tự hào, là lời nhắc nhở để tiếp nối truyền thống, đưa quê hương ngày càng phát triển.
Ở xứ Dừa, Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi (phường Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn) là nơi ghi tạc truyền thống đấu tranh cách mạng của quân, dân nơi đây. Công trình được khánh thành, đưa vào sử dụng từ tháng 12.1991. Sau đó, được nâng cấp vào năm 2000 và 2010. Mới đây nhất, UBND tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và dự toán chi phí Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với công trình Nâng cấp, mở rộng Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi trên diện tích khoảng 1,4 ha. Bên cạnh tu bổ, bảo quản di tích Cây Cừa, cải tạo Nhà lưu niệm, công trình sẽ có thêm nhiều hạng mục mới như nhà đón tiếp, trưng bày; tuyến đường đi bộ dọc sông Kho Dầu dài khoảng 285 m...
Là cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh (thành lập cuối tháng 3.1930), cũng là tổ chức Đảng đầu tiên bắt được liên lạc với Đảng Cộng sản Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành khối liên minh công - nông đầu tiên ở tỉnh, khi bắt liên lạc với Chi bộ Cửu Lợi (Hoài Nhơn), Chi bộ Nhà máy đèn Quy Nhơn giữ vai trò quan trọng trong phong trào cách mạng Bình Định và khu vực miền Trung. Phòng truyền thống Chi bộ Nhà máy đèn Quy Nhơn hiện đang đặt tại Công ty Điện lực Bình Định.
Chưa có hẳn một cơ ngơi riêng, Phòng truyền thống đã và luôn được Đảng bộ Công ty Điện lực Bình Định đầu tư cơ sở vật chất, dành nhiều tâm huyết để xây dựng hệ thống tư liệu. Gần đây nhất, năm 2015, khi cơ sở làm việc mới của Công ty Điện lực Bình Định được xây dựng, Phòng truyền thống cũng được mở rộng, trang trí, trưng bày mới nhằm đảm bảo sự trang nghiêm, thiêng liêng.
Gạch nối giữa lịch sử - hiện tại
Để xứng đáng với truyền thống Chi bộ Nhà máy đèn Quy Nhơn, tất cả đảng viên của Đảng bộ Điện lực Bình Định phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển đảng viên, xây dựng Đảng bộ vững mạnh. Từ tổ chức tiền thân với 5 đảng viên đầu tiên, đến nay, Đảng bộ đã có 210 đảng viên với 16 chi bộ trực thuộc.
Ông Nguyễn Thế Bình, Phó Giám đốc - Bí thư Đảng ủy Công ty Điện lực Bình Định cho biết thêm: “Ý thức được rằng, phòng truyền thống là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ, Công ty thường xuyên tổ chức các hoạt động thắp hương, tìm hiểu truyền thống. Đồng thời, rộng cửa chào đón ĐVTN của các tổ chức Đoàn đến tìm hiểu lịch sử truyền thống. Đây cũng là nơi kết nối, tìm về của thế hệ sau của gia đình đồng chí Lê Xuân Trữ. Cách đây 1 tháng, đại gia đình cụ Lê Xuân Tùng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội - con trai duy nhất của liệt sĩ Lê Xuân Trữ đã ghé thăm”.
Với vai trò và diện mạo mới, Khu di tích Chi bộ Hồng Lĩnh trở thành nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của Đảng bộ An Nhơn. Đây là nơi tổ chức trao Huy hiệu Đảng, kết nạp đảng viên mới của nhiều Chi bộ, là địa chỉ về nguồn của ĐVTN trong và ngoài thị xã, là nơi tuyên dương học sinh, sinh viên tiêu biểu của thị xã mỗi dịp tết Nguyên đán.
Nhằm tăng tính kết nối với du khách, TX An Nhơn đã phân công cán bộ đảm nhận vị trí người hướng dẫn, thuyết minh. Nhận nhiệm vụ này từ giữa năm 2017, chị Nguyễn Thị Quế Chi - cán bộ Trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn - nhận thức được vai trò của mình trong việc đưa thông tin về quá trình hình thành, hoạt động của Chi bộ Hồng Lĩnh nói riêng, Đảng bộ và nhân dân An Nhơn nói chung trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 và 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ đến với những người tham quan, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử đáng tự hào.
NGUYỄN MUỘI