Cái khó của những người “vác tù và hàng tổng”
Nhiệm vụ của trưởng thôn, khu vực hiện nay là khá nặng nề, đóng vai trò quan trọng ở địa bàn dân cư. Đó là công tác tổ chức tuyên truyền và thực hiện pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tuy nhiên công việc của họ đang gặp nhiều cái khó.
Thực tiễn cho thấy, ở địa phương nào xây dựng đội ngũ trưởng thôn, khu vực có kinh nghiệm quản lý, điều hành giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm và tâm huyết với công việc, thì ở đó mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đến rất nhanh với người dân; mọi phong trào thi đua yêu nước thực hiện đạt hiệu quả cao, đời sống kinh tế văn hóa có nhiều khởi sắc.
Ông Huỳnh Quang Trí – Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thắng (huyện Phù Cát), đã nhận xét về vai trò trưởng thôn, khu vực: “Nhiệm vụ của trưởng thôn, khu vực rất nặng nề; từ việc triển khai thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước; cũng như các chương trình công tác ở địa phương đều do trưởng thôn, khu vực đảm nhiệm, vận động nhân dân thực hiện. Nói chung quy lại, mọi công việc từ nhỏ đến lớn ở cơ sở đều do trưởng thôn, khu phố điều hành. Nếu sai sót thì họ là người chịu trách nhiệm trước tiên, nhưng chế độ phụ cấp thì chẳng bao nhiêu”. Cùng chung nhận xét với ông Trí, ông Tô Đình Phương - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Phù Cát, cho rằng: Trưởng thôn, khu vực đảm đương công tác vận động tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Sau đó thì đi sâu vào công tác Mặt trận; phối hợp với các đoàn thể tổ chức vận động các phong trào. Nổi bật nhất là vận động nhân dân thực hiện 6 tiêu chí của cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, cuộc vận động ngày vì người nghèo, đền ơn- đáp nghĩa, vệ sinh môi trường, phòng chống thiên tai.. Từ đó mà tập hợp được nhân dân tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Về khối công việc của trưởng thôn, khu vực phải làm, ông Nguyễn Thanh Tri - Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho rằng: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng thôn, khu phố tuy đã được quy định, nhưng có những điểm chưa thật cụ thể, còn quá chung chung, dẫn đến việc chính quyền xã, thị trấn ở một số nơi có biểu hiện coi tổ chức tự quản thôn ở cộng đồng dân cư như là một cấp chính quyền. Vì vậy họ đã giao quá nhiều nhiệm vụ cho trưởng thôn, khu vực. Có nhiều việc thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của công chức cấp xã, ví dụ như: việc xác định tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn, nhưng UBND cấp xã, thị trấn vẫn yêu cầu trưởng thôn, khu phố phải ký xác nhận vào tờ khai đăng ký kết hôn (thực chất là việc xác nhận lý lịch tư pháp của một công dân), gây áp lực công việc quá lớn đối với trưởng thôn, khu vực. Trong khi đó, họ chỉ là những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu vực, phụ cấp thì quá thấp, không đủ tiền xăng đi họp…”.
Bên cạnh những ưu điểm cơ bản của cán bộ trưởng thôn, khu vực như đảm đương nhiều nhiệm vụ, cố gắng nhiều vì tình làng, nghĩa xóm, vì lợi ích chung của cộng đồng; hiện nay lực lượng này vẫn còn không ít những hạn chế, nhất là trình độ học vấn, khả năng quản lý… do đó họ gặp nhiều khó khăn trong công việc. Chế độ chính sách đối với cán bộ thôn, khu vực còn quá thấp, trong khi đó khối lượng công việc ở cơ sở rất lớn. Theo nguyện vọng của nhiều cán bộ thôn, khu vực, Nhà nước cần xem xét, nâng mức phụ cấp của các trưởng thôn, khu phố để họ an tâm công tác. Đồng thời, cho phép được hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian đảm đương chức vụ trưởng thôn, khu vực. Giải quyết được vấn đề này là nhằm thu hút những người có năng lực làm trưởng thôn, khu vực và động viên họ làm việc tích cực, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh.
THẾ HÀ