BIDIPHAR chinh phục ngôi vị “số 1” ngành Dược
Chiến lược tiên phong về công nghệ với một loạt sản phẩm dạng bào chế đòi hỏi kỹ thuật cao; dây chuyền thuốc tiêm đông khô hiện đại, tự động; đặc biệt về dây chuyền sản xuất thuốc điều trị ung thư chuyên biệt theo chuẩn châu Âu GMP-EU/PIC… là nền tảng để Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Ðịnh bứt phá cho ngôi vị “số 1” ngành Dược Việt Nam.
Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (BIDIPHAR) có gần 300 sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép ra thị trường, với nhiều sản phẩm đặc trị thuộc nhóm kháng sinh, tim mạch, tiểu đường, tiêu hóa, gan mật, dung dịch và thuốc điều trị ung thư. Đặc biệt, chỉ 5 năm (2015 - 2020), hơn 70 sản phẩm mới ra đời, nhiều sản phẩm vốn thuộc “độc quyền” của các DN đầu tư nước ngoài.
BIDIPHAR đầu tư dự án xây dựng nhà máy công nghệ cao chuyên sản xuất thuốc điều trị ung thư theo chuẩn châu Âu GMP-EU/PIC.
Đột phá công nghệ
“Mỗi DN muốn tồn tại và phát triển thì phải chọn cho mình một hướng đi thích hợp. BIDIPHAR với chức năng chính là sản xuất, kinh doanh thuốc phòng, chữa bệnh - sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, để cạnh tranh được trên thương trường, chúng tôi xác định: “Lấy khách hàng để định hướng”, “lấy khoa học công nghệ làm động lực phát triển”, “lấy sự khác biệt để cạnh tranh”. Bằng phương châm này, chúng tôi luôn dành nguồn lực thích đáng cho hoạt động nghiên cứu, đầu tư nâng cao chất lượng, phát triển những dòng sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao và trở thành một trong những DN tiên phong trong đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ của ngành dược Việt Nam”, bà Phạm Thị Thanh Hương - Tổng Giám đốc BIDIPHAR khẳng định.
Một điển hình hợp tác đầu tư ra nước ngoài
● BIDIPHAR cũng là một trong số ít DN của tỉnh liên kết hợp tác đầu tư tại thị trường Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, thực hiện nhiều dự án quan trọng tại các tỉnh Nam Lào, hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất dược phẩm, trồng cây cao su, cây cà phê, cây dược liệu… Hiện, BIDIPHAR có 2 DN đang thực hiện liên danh hợp tác với phía bạn Lào, gồm: Công ty CBF Pharma, Công ty Cao su hữu nghị Lào Việt.
● Ðáng chú ý, Công ty Liên doanh CBF Pharma (tỉnh Champasak) hiện là đơn vị duy nhất được Bộ Y tế Lào cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GMP-ASEAN với 4 dây chuyền sản xuất hơn 120 sản phẩm thuốc thiết yếu, như: Dịch truyền, thuốc tiêm, thuốc viên, thuốc nước… cung cấp khoảng 50% thị phần tại Lào, và là một trong những DN sản xuất dược phẩm hàng đầu tại Lào.
Điều này không khó để thấy khi BIDIPHAR tạo dấu ấn với nhiều dự án nghiên cứu sản xuất thuốc quy mô lớn. Đó là nghiên cứu: “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên phóng thích có kiểm soát Diltiezem”, từ đó xây dựng quy trình sản xuất công nghệ cho một dạng bào chế hiện đại là viên phóng thích có kiểm soát, góp phần hiện đại hóa ngành công nghiệp dược trong nước để sản xuất ra các loại thuốc đặc trị bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, thay thế thuốc nhập ngoại. Với nghiên cứu này, BIDIPHAR đã sản xuất sản phẩm Bidizem (hoạt chất Diltiezem) có chất lượng tương đương thuốc cùng loại sản xuất từ Nhật Bản hiện đang được lưu hành tại Việt Nam, với giá chỉ bằng một nửa.
Hay, dự án cấp Nhà nước về xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi thương phẩm hàu và chế biến thực phẩm chức năng từ hàu tại Bình Định và dự án cấp tỉnh nghiên cứu sản xuất viên nang thực phẩm chức năng Calonate từ nguyên liệu sụn cá mập để phục vụ sức khỏe cộng đồng là tiêu biểu cho sự gắn kết nhà khoa học - DN để nâng cao giá trị thương phẩm cho các sản phẩm từ nông, ngư nghiệp có nguồn gốc từ Bình Định. Quan trọng hơn, mở ra nghề mới nuôi hàu thương phẩm cho ngư dân ven đầm Thị Nại (TP Quy Nhơn) và đầm Đề Gi (huyện Phù Cát). Còn dự án sụn cá mập với nguồn nguyên liệu thu mua từ Hoài Hương (TX Hoài Nhơn) góp phần vào chương trình xóa đói giảm nghèo cho ngư dân vùng biển, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô với giá rẻ, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm chi phí nhập khẩu.
Đặc biệt, dự án khoa học và công nghệ cấp Nhà nước về nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sản xuất một số thuốc dùng điều trị ung thư được triển khai từ năm 2014 - 2019 đưa BIDIPHAR vượt xa, khẳng định vị thế số 1 ngành Dược Việt Nam về sản xuất dòng sản phẩm điều trị ung thư đầu tiên. Dây chuyền sản xuất thuốc điều trị ung thư tiêm chuyên biệt đầu tiên được Bộ Y tế cấp chứng nhận GMP.
Hướng đến tương lai và cũng để ứng dụng tốt nhất những kết quả trong nghiên cứu khoa học, DN đã triển khai xây dựng nhà máy sản xuất BIDIPHAR Công nghệ cao chuyên sản xuất thuốc điều trị ung thư theo chuẩn thực hành sản xuất thuốc tốt châu Âu (GMP-EU). “Đây là dự án nâng cấp toàn diện từ đầu tư nhà máy đến nghiên cứu và triển khai sản xuất thuốc theo quy chuẩn cao nhất thế giới hiện nay cho ngành dược, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động trong quý 3/2020 nhưng vì tình hình dịch bệnh nên bị chậm tiến độ, đến quý I/2021. Các sản phẩm sản xuất trên dây chuyền GMP-EU không chỉ có ưu thế cạnh tranh về thị trường mà còn giúp BIDIPHAR cung cấp những sản phẩm đặc trị có chất lượng cao nhất, tạo tiền đề để BIDIPHAR đẩy mạnh xuất khẩu”, bà Hương cho hay.
Chỉ trong 5 năm (2015 - 2020), BIDIPHAR ra mắt thị trường hơn 70 sản phẩm.
Chiến lược con người
Dễ dàng nhận thấy khát vọng lớn lao của tập thể lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên BIDIPHAR, khi đơn vị này liên tục nghiên cứu, phát triển chuỗi giá trị xanh từ nguyên liệu - công nghệ - sản phẩm - dịch vụ phân phối, liên tục cung cấp ra thị trường các sản phẩm độc đáo trong công thức, có hiệu quả điều trị, an toàn cho người sử dụng và khả năng cạnh tranh tốt. Không chỉ với thuốc tân dược, BIDIPHAR cũng bước chân vào chinh phục thị trường thuốc đông dược với dự án trồng dược liệu sạch theo tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng và thu hái (GACP) tại xã An Toàn, huyện An Lão.
Cuối năm 2014, đánh dấu chặng đường mới khi BIDIPHAR cổ phần hóa, doanh thu và lợi nhuận luôn tăng trưởng ở mức 15% trở lên; đảm bảo thu nhập bình quân 8 - 8,5 triệu đồng/tháng, cho gần 1.000 lao động. Đi đôi với cổ phần hóa, một loạt động thái quan trọng như củng cố, nâng cao năng lực quản trị toàn diện; đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng chuyên sâu, phát triển mặt hàng mới tạo ra dòng sản phẩm đặc trưng có giá trị nhằm khẳng định thương hiệu trên thị trường. Đáng chú ý là thành lập mới DN khoa học công nghệ chuyên sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp, rộng khắp trên cả nước, đảm bảo tính hiện đại phù hợp chuẩn của ngành y tế về dược phẩm, tạo ra sự năng động nhạy bén phục vụ nhu cầu thị trường.
Năm 2020, BIDIPHAR triển khai kế hoạch “nới room” cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. bà Hương cho biết: Sau khi hoàn tất nới room ngoại, BIDIPHAR sẽ tập trung phát triển sản phẩm mới chất lượng cao và phát triển thị trường. Hiện nay, lợi thế của BIDIPHAR là thương hiệu với những dòng sản phẩm đã khẳng định được hiệu quả trong điều trị, hệ thống quản lý chất lượng tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế, đội ngũ cán bộ tâm huyết, giàu kinh nghiệm, vững vàng chuyên môn. Đặc biệt, hệ thống phân phối khá chuyên nghiệp, trải rộng trên cả nước và chúng tôi đang tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực quản trị cũng như đổi mới công nghệ theo tiêu chuẩn tiên tiến nhất.
“Những thành quả đạt được hôm nay là quyết tâm và khát vọng đột phá để khẳng định vị thế top đầu ngành Dược Việt Nam của BIDIPHAR. Nhưng, chiến lược của BIDIPHAR có thành công hay không, không chỉ phụ thuộc vào người xây dựng chiến lược mà chính từng người lao động - đó là chìa khóa để BIDIPHAR vững chắc đi tới thành công”, bà Hương nhấn mạnh.
THU HIỀN