Từ “lụa Phú Phong” đến dệt may công nghiệp
Tây Sơn được biết đến là mảnh đất từng có sản phẩm “lụa Phú Phong” nức tiếng nhất vùng. Tuy nhiên, qua thời gian, nghề ươm tơ, dệt lụa tạo nên sản phẩm “vang bóng một thời” giờ đã mai một, trở thành ký ức. Về Tây Sơn hôm nay, chỉ còn là chuyện của nghề dệt may công nghiệp. Nghề đã và đang tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, vừa góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, vừa tạo diện mạo mới cho nông thôn.
Công nhân may tại Công ty CP May Tây Sơn.
Nhà máy dệt lớn thứ 2 cả nước
“Con gái Phú Phong ngồi trong dệt lụa/Con gái Cây dừa cấy lúa quanh năm”. Đó là câu ca dao đã đi vào tiềm thức của người dân đất Kiên Mỹ (nay là khối 1A, thị trấn Phú Phong). Theo các bậc cao niên ở địa phương, vùng đất Kiên Mỹ xưa có hơn 70% số dân hành nghề ươm tơ, dệt lụa. Cũng chính vì thế mà ở đây có các làng mang tên “Làng Ươm”, “Xóm Cửi”.
“Nhà máy dệt Đờ - li - nhông được xây dựng vào năm 1902 tại huyện Bình Khê. Đây là nhà máy dệt có quy mô lớn thứ hai của Việt Nam dưới thời thuộc Pháp (sau nhà máy dệt Nam Định).”
Theo các tài liệu, giai đoạn 1896 - 1914, khi Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ nhất và chính thức ổn định xây dựng bộ máy cai trị đối với nước ta, họ đã đầu tư các nhà máy chế biến bằng nguồn nguyên liệu tại chỗ của địa phương để làm giàu cho chính quốc. Trong đó, nhà máy dệt Đờ - li - nhông được xây dựng vào năm 1902 tại huyện Bình Khê. Đây là nhà máy dệt có quy mô lớn thứ hai của Việt Nam dưới thời thuộc Pháp (sau nhà máy dệt Nam Định).
Nhà máy dệt Đờ - li - nhông sản xuất các sản phẩm lụa, lãnh, nhiễu, tuýt xo, sa tanh với công suất 700 nghìn mét/năm, năm cao nhất là 1926 với 190 nghìn mét. Cùng với sự đầu tư kỹ thuật, đội ngũ công nhân, nhà máy không ngừng lớn lên về quy mô. Đến năm 1911, thực dân Pháp mở rộng độc quyền quản lý khai thác ngành dệt, ở Đông Dương hình thành nhiều công ty, trong đó có Công ty Đờ - li - nhông có cơ sở chính tại Phú Phong và hai chi nhánh ở Giao Thủy (Quảng Nam) và Bồng Sơn (nay là TX Hoài Nhơn).
Đời sống công nhân dệt hồi ấy rất cơ cực, ngày làm từ 10 - 12 giờ với đồng lương chết đói, lại còn bị chủ bớt xén, cúp phạt vô cớ. Người thân của cụ Trần Bá (thị trấn Phú Phong) vẫn còn nhớ những câu chuyện mà ông kể lại khi làm công nhân nhà máy từ 1927 - 1945: “Cứ cách 5 phút chúng đặt một cái roi để cai tiện đánh đập công nhân. Chúng không thực hiện chế độ bảo hộ đối với công nhân, đau ốm không có thuốc, nếu bị tai nạn hoặc đau ốm nặng bị chúng sa thải”.
Cũng chính từ nguyên nhân này đã dẫn đến các cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo. Đó là cuộc đấu tranh của công nhân nhân Ngày Quốc tế lao động 1.5.1939 với khẩu hiệu đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, đòi quyền dân sinh dân chủ. Liên tiếp từ năm 1940 - 1943, công nhân nhà máy tiếp tục tổ chức nhiều cuộc đấu tranh để tăng lương, giảm giờ làm, không bóc lột công nhân và giành được thắng lợi. Th.S Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Bình Định, cho biết: “Ở đây, Hội công nhân cứu quốc ra đời vào tháng 5.1945 và lãnh đạo, làm nòng cốt trong phong trào công nhân. Đến tháng 7.1945, đã xây dựng được 10 tổ với 100 hội viên công nhân cứu quốc, hơn 100 đội viên tự vệ. Công nhân đã làm nòng cốt, đi đầu tham gia giành chính quyền về tay nhân dân thắng lợi ở Quy Nhơn ngày 23.8.1945. Có thể nói, lực lượng công nhân nhà máy dệt Đờ - li - nhông là niềm tự hào chung của giai cấp công nhân tỉnh nhà”.
Phát triển dệt may, tạo nhiều việc làm
Từ Cầu Mới (thị trấn Phú Phong), men theo con đường bê tông chạy dọc khu dịch vụ công trình Đê bao sông Côn, chúng tôi vào thăm Công ty CP May Tây Sơn. Khi hỏi chuyện kinh doanh, chị Trần Huyền Trân, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính Công ty không vội cung cấp những kết quả đạt được mà đưa chúng tôi đi thăm các chuyền may veston. Chị Trân bộc bạch: Nhà máy được xây dựng vào năm 2011, sau này xây dựng thêm một số hạng mục với tổng vốn đầu tư 163 tỷ đồng. Việc lựa chọn xây dựng nhà máy tại đây là bởi có nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư và đặc biệt là tận dụng được nguồn lao động dồi dào, có tay nghề tại địa phương.
Được biết, năm 2019 Công ty CP May Tây Sơn sản xuất được 1,3 triệu sản phẩm. Không chỉ góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động (hơn 730 người đang làm việc) mà còn tạo ra giá trị xuất khẩu và đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Ngoài Công ty CP May Tây Sơn, hiện trên địa bàn huyện Tây Sơn còn có nhiều DN sản xuất dệt may với quy mô lớn như: Nhà máy may công nghiệp Able Tây Sơn (CCN Phú An, xã Tây Xuân) vốn đầu tư gần 58 tỷ đồng, công suất 1,6 triệu sản phẩm/năm, tạo việc làm cho 200 lao động; Công ty TNHH May Tổng hợp Việt Hàn (CCN Gò Đá, xã Bình Tường), vốn đầu tư 10 tỷ đồng, công suất 300 sản phẩm/năm, tạo việc làm cho 50 công nhân…
Điểm đặc biệt ở Tây Sơn là có lực lượng lao động làm nghề may vào các thành phố lớn làm việc khá nhiều. Sau khi tại địa phương hình thành các nhà máy may lớn, lực lượng lao động này đã trở về địa phương để làm việc. Đặc biệt, cũng có nhiều trường hợp trở về địa phương mở các cơ sở may gia công tại nhà. Anh Đinh Hữu Thắng, 37 tuổi, thôn Phú Thịnh (xã Tây Phú) là một trường hợp như thế. Năm 2014, sau khi trở về từ TP Hồ Chí Minh, anh vay 30 triệu đồng mở cơ sở may gia công tại nhà. Hiện nay, nguồn hàng của cơ sở rất ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng.
Ông Lê Hà An, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tây Sơn, cho biết: “Sau nhiều năm thăng trầm, gần đây, nghề dệt may ở huyện có những bước chuyển động mạnh mẽ. Kết quả đó có được là nhờ các chính sách ưu đãi của huyện, nhất là việc bố trí các địa điểm thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư đến mở cơ sở dệt may. Vừa tạo việc làm mới cho hàng nghìn lao động nông thôn, vừa góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển KT-XH của huyện”.
HỒNG PHÚC