Dự báo chính xác, chớp đúng thời cơ, cách mạng tất thành công
Đã 75 năm trôi qua, cứ mỗi độ thu về, nhân dân Việt Nam lại tự hào khi nhớ về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - chiến công chói lọi, tạo ra bước ngoặt lịch sử vĩ đại cho dân tộc ta nói riêng và các dân tộc thuộc địa trên thế giới nói chung.
Cách mạng Tháng Tám thành công do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Nhưng nguyên nhân cơ bản, chủ yếu, quyết định nhất là sự lãnh đạo đúng đắn và tài tình của Đảng ta. Vai trò lãnh đạo của Đảng thể hiện rõ và chủ yếu qua việc Đảng ta đã dự báo chính xác, chỉ đạo chớp thời cơ đúng lúc, đem lại thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Dự báo thời cơ chính xác
Dự báo thời cơ của Đảng ta được thể hiện rõ qua 3 hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (11.1939), lần thứ 7 (11.1940), đặc biệt là lần thứ 8 (5.1941). Qua các hội nghị này, Đảng ta đã dự báo chính xác: “Nếu cuộc chiến tranh đế quốc lần trước (chiến tranh thế giới thứ I) đã đẻ ra Liên Xô - một nước XHCN… thì cuộc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước XHCN, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”.
Lễ trao ấn kiếm của chính quyền phong kiến cho Ủy ban Kháng chiến Việt Minh Nguyễn Huệ tại Quy Nhơn tháng 8.1945 (ảnh chụp tại Bảo tàng tỉnh). ẢNH: MAI LÂM
Nghĩa là, Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc khi Liên Xô và lực lượng dân chủ đánh tan phe Phát xít (Đức, Ý, Nhật) thì sẽ tạo cơ hội cho nhiều nước tiến hành cách mạng XHCN và cách mạng giải phóng dân tộc thành công. Dự báo này của Đảng ta từ tháng 5.1941, trong khi tháng 6.1941 Liên Xô mới tham gia chiến tranh thế giới thứ II. Điều đó cho thấy khả năng phân tích, nhìn nhận, đánh giá chính xác tình hình thế giới và dự báo rất tài tình của Đảng ta.
Tiếp đó, trong Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12.3.1945), Đảng ta đã dự báo hai khả năng làm xuất hiện thời cơ: “1. Quân Đồng minh vào Đông Dương đánh Nhật; 2. Nhật đầu hàng Đồng minh”.
Chớp thời cơ đúng lúc
Chỉ đạo chớp thời cơ của Đảng ta được thể hiện rất rõ vào tháng 8.1945, khi thời cơ đến. Theo PGS.TS Phạm Xanh: “…Trong Cách mạng Tháng Tám, thời cơ tồn tại một cách khách quan trong vòng hai mươi hôm, bắt đầu từ khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng (ngày 15.8) và kết thúc khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta theo Hiệp định Potsdam (ngày 5.9)... Chỉ có thể giành chính quyền thắng lợi trong ngưỡng thời gian khắc nghiệt đó”.
Thực tế lịch sử cho thấy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân chớp đúng thời cơ quý báu này: “Đúng giữa trưa ngày 15.8.1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng các lực lượng Đồng minh trên sóng phát thanh của Nhật Bản. Như vậy, thời cơ xuất hiện như khả năng thứ hai mà Đảng ta đã dự báo… Lập tức, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra quân lệnh số 1... Tiếp đó, Hội nghị Đảng toàn quốc và Quốc dân Đại hội nhóm họp tại Tân Trào quyết định phát động cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước” (theo PGS.TS Phạm Xanh).
Sau khi có chủ trương, Cách mạng Tháng Tám đã diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn, từ ngày 14 đến ngày 28.8.1945. 14 giờ ngày 2.9, trên Quảng trường Ba Đình, đại diện cho Chính phủ lâm thời và cũng là đại diện cho hơn 20 triệu đồng bào ta và hàng trăm triệu đồng bào nô lệ trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh hùng hồn tuyên bố với dân tộc ta và cả thế giới biết rằng: “Dân tộc Việt Nam đã được hoàn toàn độc lập!”.
*
* *
Chính vì Cách mạng Tháng Tám diễn ra nhanh, gọn và đỡ tổn thất nên có ý kiến (chủ yếu là các sử gia tư sản) cho rằng: Cách mạng Tháng Tám thành công là do ăn may! Vậy sự thật thế nào?
Ngoài những cứ liệu lịch sử đã trình bày ở trên, về mặt lý luận, theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, cách mạng muốn nổ ra và thành công không chỉ có thời cơ mà phải có tình thế cách mạng, với 4 điều kiện:
Thứ nhất, giai cấp thống trị không thể thống trị như cũ được nữa.
Cả thực dân Pháp và Phát xít Nhật đều không thể duy trì sự thống trị của mình. Thực dân Pháp đã đầu hàng quân Nhật; quân Nhật lúc này cũng cực kỳ hoang mang, dao động… khi gần một triệu quân Quan Đông đã bị Hồng quân Liên Xô đánh tan tại Mãn Châu - Trung Quốc, Nhật hoàng đã tuyên bố đầu hàng quân đồng minh (15.8.1945).
Và giai cấp địa chủ phong kiến lúc này mất chỗ dựa vào quan thầy Pháp, Nhật cũng đang run sợ trước làn sóng đấu tranh của nhân dân. Do đó, cả thực dân, đế quốc và địa chủ phong kiến không thể thống trị như cũ được nữa.
Thứ hai, giai cấp bị trị không chịu nổi sự thống trị như cũ được nữa.
Ở Việt Nam lúc này, các giai cấp, tầng lớp bị trị (công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc) đều không chịu nổi sự thống trị của thực dân, đế quốc và phong kiến. Có rất nhiều lý do, ngoài sự cai trị hà khắc và áp bức, bóc lột hết sức tàn nhẫn, vô nhân đạo… của kẻ thù, còn có một nguyên nhân đặc biệt quan trọng là nạn đói năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của gần 2 triệu đồng bào ta, nạn đói vẫn đang tiếp tục đe dọa đến sự tồn vong của mỗi người dân Việt Nam.
“Cách mạng hay là chết!” - như mệnh lệnh của chính từng người dân với sinh mệnh của chính họ. Do đó, họ chỉ chờ có “tiếng kèn xung trận” là xông lên như nước vỡ bờ để đoạt lại sinh mệnh cho chính bản thân họ. Sức mạnh ấy không gì ngăn cản nổi và có thế “tấn công lên tới cả trời”, đạp bằng tất cả…
Thứ ba, tầng lớp trung gian thì chao đảo nghiêng về phía cách mạng.
Các tầng lớp trung gian trong xã hội ta lúc này cũng bắt đầu chao đảo, dao động và một số đã nghiêng về cách mạng. Tiêu biểu là chính phủ Trần Trọng Kim (thành lập năm 1945) lúc này đã hoang mang, dao động cực độ ....
Thứ tư, lực lượng cách mạng và đội quân tiên phong đã sẵn sàng.
Lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang đã được chuẩn bị sẵn sàng qua ba cao trào cách mạng 1930 - 1931, 1936 - 1939 và đặc biệt là giai đoạn 1939 - 1945.
Như vậy, thời cơ chỉ là một yếu tố cấu thành tình thế cách mạng. Nếu Đảng ta không chủ động lãnh đạo và chỉ đạo nhân dân tạo ra những yếu tố cần thiết và cấp thiết để xuất hiện tình thế cách mạng, không chủ động dự báo chính xác và chỉ đạo chớp thời cơ đúng lúc thì thời cơ vẫn mãi chỉ là thời cơ mà thôi.
Tóm lại:
Điểm lại lịch sử, chính lịch sử chứ không phải ai khác, đã chứng minh rằng: Cách mạng Tháng Tám thành công có nguyên nhân cơ bản, quan trọng, quyết định là sự lãnh đạo của Đảng ta với khả năng dự báo chính xác và lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân chớp thời cơ đúng lúc.
Cách mạng Tháng Tám đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý, ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt là bài học về nghệ thuật dự báo và chớp thời cơ. Ngày nay, trong tình hình thế giới có những biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường… đã và đang mở ra cho nhân loại nói chung và dân tộc ta nói riêng bao thời cơ và vận hội mới; do đó, tiếp tục vận dụng sáng tạo bài học dự báo và chớp thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là hết sức cần thiết và cấp thiết.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và tinh thần quật khởi của Cách mạng Tháng Tám, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng: Trong thời đại mới, sức mạnh đại đoàn kết của hơn 90 triệu dân sẽ tiếp tục được Đảng ta phát huy, kịp thời nắm bắt vận hội mới, đưa đất nước ta vững bước tiến lên theo con đường độc lập dân tộc và CNXH - con đường mà Đảng, Bác và dân tộc Việt Nam đã chọn.
Từ phân tích ở trên, có thể khẳng định, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam đã chứng minh một chân lý: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam!
LÊ VĂN MINH (Trường Chính trị tỉnh)