Xe khách, tàu hỏa, máy bay ế ẩm khách dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 2 lây lan trong cộng đồng cùng với việc ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 rơi vào giữa tuần và chỉ nghỉ được một ngày đã khiến các doanh nghiệp vận tải ế ẩm.
Xe khách xếp hàng dài tại bến xe Nước Ngầm. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Xe khách “đắp chiếu”
Hàng năm, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đều có kế hoạch tăng cường xe dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 khá sớm nhưng năm nay không có kế hoạch tăng cường xe mà chủ yếu tập trung vào việc đôn đốc, nhắc nhở các bến xe, nhà xe đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo.
“Số chuyến xe xuất bến đã giảm khoảng 20-30%, trong khi lượng khách giảm tới 50-60% so với cùng kỳ năm 2019. Vận tải khách liên tỉnh hiện rơi vào tình trạng xe có mà khách thì không. Nhiều nhà xe đã tự cắt giảm lượng xe, giảm bớt tần suất xe hoạt động tại bến do không có khách đi lại,” đại diện Công ty Bến xe Hà Nội cho hay.
Theo ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, trung bình một ngày trước kia xe xuất bến Mỹ Đình vào khoảng hơn 900 lượt/ngày thì hiện chỉ còn khoảng chưa đầy 700 lượt. Từ đầu tháng 8/2020 đến nay, lượng khách đi xe khách liên tỉnh giảm mạnh một cách rõ rệt, hiện chỉ còn khoảng 50%, trong khi đó, lượng xe xuất bến hàng ngày cũng giảm đến 30-40%.
“Dự báo đi lại dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 năm nay cũng chỉ như ngày thường trong tuần, có khi còn không được đông bằng cuối tuần”, ông Sơn nhận định.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Đất Cảng cho biết không lên kế hoạch gì cho dịp nghỉ lễ. Công ty Đất Cảng có 70 xe khách và hơn 300 xe taxi, nhưng hiện chỉ tối đa 50% số xe khách hoạt động mỗi ngày. Hằng tháng, doanh nghiệp đều phải bù lỗ do lượng khách quá ít, chỉ lấp đầy 30-40% số ghế ngay cả ngày cuối tuần, nên càng chạy càng lỗ.
“Năm nay mùng 2.9 rơi vào giữa tuần, chỉ được nghỉ 1 ngày nên nhu cầu về quê hoặc đi du lịch đúng ngày nghỉ lễ không cao. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến người dân rất lo lắng, nhu cầu đi lại giảm mạnh, nên dịp cuối tuần trước 2.9 năm nay lượng khách cũng thấp. Dự báo lượng khách sẽ giảm tới 60% so với các năm trước”, ông Hải nói.
Khẳng định các doanh nghiệp vận tải đều đang phải cố gắng cầm cự bằng nguồn vốn tự có hoặc vốn vay, ông Hải cho rằng, nếu sang năm tình hình không khả quan, nhiều doanh nghiệp vận tải sẽ phá sản.
Doanh nghiệp tư nhân vận tải Năm Thu, hoạt động vận tải khách tại bến xe Gia Lâm Hà Nội cho biết từ giữa tháng 8,2020, do lượng khách sụt giảm mạnh bởi dịch Covid-19 nên nhà xe đã tạm dừng toàn bộ hoạt động vận tải khách cố định liên tỉnh.
“Xe chạy mà không có khách, mỗi xe xuất bến chỉ lèo tèo vài ba khách không đủ tiền xăng dầu nên chúng tôi tạm nghỉ hết tháng 8.2020, để xem tháng 9 có đỡ hơn không thì túc tắc chạy trở lại”, đại diện doanh nghiệp Vận tải Năm Thu cho hay.
Tàu hỏa, hàng không im lìm
Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, cho hay kế hoạch chạy tàu 2.9 năm nay của đơn vị không có gì thay đổi so với ngày thường, không tăng thêm tàu, trong khi đó, một số mác tàu hiện vẫn đang tạm dừng vì không có khách đi lại.
Cụ thể, tàu Hà Nội-Vinh hiện chỉ chạy một tàu vào dịp cuối tuần và một đôi tàu vào nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 nhưng đến nay lượng khách mua vé đi lại cũng rất ít. Còn tàu Hà Nội- Lào Cai hiện đã tạm dừng chạy từ đầu tháng Tám đến nay, tàu Hà Nội- Hải Phòng hiện chỉ còn chạy một chuyến/ngày, trong khi trước đây là bốn chuyến/ngày.
“Đến thời điểm này, lượng khách đi tàu hỏa giảm đến 70% so với cùng kỳ năm 2019, dù ngành đường sắt đã áp dụng nhiều giải pháp, từ nâng cao chất lượng, đẩy mạnh mua bán vé tàu qua ứng dụng, hoàn trả vé tàu online… nhưng do dịch bệnh Covid-19, lượng khách vẫn rất khiêm tốn”, bà Hà nhìn nhận.
Với hàng không, những dịp 2.9 năm trước, giá vé máy bay thường “khan hiếm” và đắt đỏ nếu mua sát ngày, thậm chí khách không có chỗ bay dù các hãng hàng không liên tục tăng chuyến. Tuy nhiên, dịp Quốc khánh năm nay, giá vé rẻ và còn nhiều. Chưa kể, các hãng hàng không cũng đã phải cắt giảm tần suất bay do không có khách.
Đơn cử, chặng bay Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh của Vietnam Airlines trong khoảng 1-3.9, hành khách có rất nhiều lựa chọn do mỗi ngày có 10 chuyến bay, giá vé chỉ ở mức 799.000 đồng/chiều. đường bay Hà Nội-Đà Lạt của Vietnam Airlines hiện chỉ còn 1 chuyến/ngày giai đoạn 28.8 - 3.9, giá vé cũng chỉ từ hơn 1 triệu đồng/lượt.
Tương tự, Vietjet cũng chỉ còn duy trì một chặng bay mỗi ngày với đường bay Hà Nội-Đà Lạt, mức giá hiện cũng chỉ xấp xỉ 900.000 đồng/chiều.
“Chưa năm nào việc đi lại vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 lại đìu hiu đến như vậy. Một phần dịp nghỉ lễ năm nay vào giữa tuần, người lao động chỉ được nghỉ một ngày và nguyên nhân lớn là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên người dân cũng hạn chế tối đa việc đi lại”, đại diện các hãng hàng không thừa nhận.
Theo Việt Hùng (Vietnam+)