Ðổi mới, nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý
Thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh và các chi nhánh không ngừng đổi mới, nâng cao nguồn nhân lực và chất lượng trợ giúp. Qua đó, công tác trợ giúp pháp lý ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu; kịp thời giải quyết, hòa giải các mâu thuẫn, vướng mắc pháp luật trong nhân dân.
Theo Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh, thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 6.2015 đến nay, Trung tâm sắp xếp, bố trí bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, kinh nghiệm giải quyết vụ việc cho đội ngũ người thực hiện TGPL. Hiện Trung tâm có 4 phòng nghiệp vụ và 5 chi nhánh TGPL; ngoài ra, toàn tỉnh đã thành lập 72 CLB TGPL.
Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân.
Các chi nhánh tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn thực hiện kịp thời, đáp ứng nhu cầu TGPL của người dân khi có yêu cầu. Thực hiện tư vấn pháp luật cho người dân nói chung và người được TGPL nói riêng. Góp phần đưa pháp luật đến với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, nơi có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.
Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tổ chức 14 lớp tập huấn về cập nhật kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng, tăng cường năng lực cho người thực hiện TGPL trên địa bàn tỉnh. Qua đó, có gần 1.340 lượt người tham dự là cộng tác viên, thành viên Ban chủ nhiệm CLB TGPL, các trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên pháp lý, đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng, đại diện các hội, đoàn thể của tỉnh. Tổ chức 159 đợt truyền thông về TGPL tại các xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh với hơn 7.120 lượt người dân tham dự.
Trung tâm và các chi nhánh thực hiện gần 13.790 vụ việc TGPL gồm tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Các vụ việc TGPL đều bảo đảm chất lượng, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người được TGPL; góp phần cùng các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố và xét xử đúng người, đúng tội, tránh oan sai.
Ông Lê Thành Trung, quyền Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, cho biết: Trước năm 2015, số vụ việc tham gia tố tụng và tư vấn pháp luật tại trụ sở còn ít và hạn chế. Nguyên nhân do giai đoạn này các cơ quan tiến hành tố tụng chưa biết nhiều đến công tác TGPL; đặc biệt là hoạt động tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người được TGPL.
Sau khi thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác TGPL; chủ động phối hợp với Trung tâm đề nghị cử người tham gia tố tụng, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người được TGPL. Số lượng vụ việc tham gia tố tụng do trợ giúp viên pháp lý thực hiện ngày càng tăng cao cả về lượng và chất.
Còn theo ông Lê Văn Toàn, Giám đốc Sở Tư pháp, các địa phương trong tỉnh đều nhất trí, đồng tình cao đối với chính sách TGPL hiện hành. Công tác TGPL đã được ổn định, dần đi vào chiều sâu, thực chất; bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Thông qua các hoạt động TGPL, người dân và người được TGPL nắm bắt các quy định của pháp luật; hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật ngay tại cơ sở. Đồng thời, cùng với chính quyền cơ sở kịp thời giải quyết, hòa giải các mâu thuẫn nhỏ, vướng mắc pháp luật trong nhân dân; góp phần ổn định ANTT và phát triển KT-XH.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đánh giá: Đề án đổi mới công tác TGPL đã tạo cơ sở cho việc đổi mới công tác này ở địa phương, mang lại lợi ích cho Nhà nước, xã hội và người được hưởng chính sách TGPL miễn phí; nâng cao hiểu biết pháp luật cho nhân dân. Sự phối hợp kịp thời và đồng bộ giữa chính quyền địa phương với các ban, ngành đoàn thể trong quá trình triển khai thực hiện Đề án giúp công tác TGPL đạt nhiều kết quả khả quan, bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người được TGPL. Ngoài ra, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người được TGPL trong các vụ án.
VĂN LỰC