Hơn 3.000 lao động làm việc ở nước ngoài đã về nước
Qua báo cáo tổng hợp từ các Ban Quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài, tính đến tháng 8.2020, hơn 3.000 lao động được đưa về nước. Những lao động này đều là những lao động đã hết thời hạn làm việc, bệnh nặng hoặc đang mang thai…
Các chuyến bay đặc biệt chở lao động từ vùng dịch về Việt Nam
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ tháng 2 năm 2020 tại hầu hết các quốc gia trên thế giới đã khiến việc di chuyển bằng đường hàng không giữa các nước bị hạn chế, gần như tê liệt hoàn toàn. Để đảm bảo an toàn và phòng chống lây lan dịch bệnh trong nước, các nước đã áp dụng lệnh hạn chế các chuyến bay đến và đi giữa các quốc gia, thực hiện lệnh cách ly cũng như kiểm tra gắt gao về thân nhiệt, yêu cầu chứng nhận test xét nghiệm không nhiễm Covid-19 trong vòng 72 giờ kể từ giờ xuất cảnh… Các quy định trên đã gây ảnh hưởng đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam và hoạt động đưa người lao động về nước do sức khỏe, hết hạn hợp đồng hoặc về trước hạn vì các lý do sức khỏe, tai nạn lao động, mang thai…
Trước tình hình đó, với nỗ lực từ các cán bộ tại các Ban Quản lý lao động Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp với cơ quan ban ngành nước sở tại cũng như các cơ quan đơn vị trong nước, hãng hàng không quốc gia Việt Nam… đã thực hiện được một số chuyến bay đặc biệt, đưa được công dân và người lao động trong hoàn cảnh cần được ưu tiên đưa về nước an toàn.
Qua báo cáo tổng hợp từ các Ban Quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài, số lao động về nước tính đến tháng 8.2020 cụ thể tại các thị trường như sau.
Tại Hàn Quốc, tính đến 10.8, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành 6 chuyến bay đưa 1.261 công dân Việt Nam về nước, trong đó, có 445 lao động hết hạn hợp đồng (lao động visa E-9, E-10 và hình thức visa làm việc khác), 193 lao động cư trú bất hợp pháp hoặc quá hạn visa, 72 lao động thuyền viên tàu cá xa bờ và thủy thủ tàu vận tải bị kẹt tại cảng. Số còn lại bao gồm người cao tuổi, du học sinh đã tốt nghiệp hết hạn cư trú, người hết hạn thị thực visa du lịch, cán bộ đi công tác bị kẹt lại, người già sang thăm thân, chữa bệnh nan y, người mang tro cốt thân nhân về nước.
Tại Đài Loan, kể từ cuối tháng 3.2020 các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) không được bay bình thường. Từ ngày 27.3, Văn phòng Kinh tế Văn hoá Việt Nam tại Đài Bắc thành lập đường link nhằm tổng hợp thông tin nhu cầu và báo cáo về nước thành lập các chuyến bay giải cứu công dân về nước. Tính đến nay có tổng số 25.500 lượt người đăng ký qua đường link của Văn phòng mong muốn được bay các chuyến bay giải cứu của Nhà nước về nước với các lý do chủ yếu sau: Người lao động có thai, ốm đau, bệnh tật, lao động hết hạn hợp đồng, sinh viên, người du lịch, thăm thân bị mắc kẹt
Đến 10.8, đã có 6 chuyến bay thương mại đặc biệt đưa được 1.690 công dân Việt Nam từ Đài Loan về nước, trong đó có 1.160 lao động.
Tại Saudi Arabia, ngày 8.8, Đại sứ quán Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam và Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay đưa 196 công dân có hoàn khó khăn về nước. Đây là chuyến bay đầu tiên từ Arab Saudi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại quốc gia này. Trong số 196 người Việt về nước có 150 người là lao động được các doanh nghiệp đưa đi và đăng ký với Đại sứ quán để về nước do đã hết hợp đồng.
Tại các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Đại sứ quán Việt Nam tại UAE phối hợp với các cơ quan chức năng UAE tổ chức thành công 2 chuyến bay vào ngày 2.5.2020 và 10.8.2020 đưa 563 công dân và người lao động Việt Nam trở về nước an toàn trong bối cảnh các đường bay thương mại giữa Việt Nam và quốc tế tạm dừng vì dịch Covid-19...
Tại Nhật Bản, đến nay đã có 8.295 thực tập sinh và lao động đăng ký về nước qua trang thông tin mà Đại sứ quán lập để công dân Việt Nam đăng ký. Sau 11 chuyến bay, 693 thực tập sinh đã được đưa về nước. Trong đó, phần lớn là thực tập sinh đã kết thúc hợp đồng từ tháng 3, không có việc làm, không có thu nhập, phải ở nhờ nơi do nghiệp đoàn thu xếp, một số khác là lao động thực tập bị bệnh, có bầu… không đảm bảo sức khỏe để tiếp tục làm việc đăng ký về nước trước hạn. Số thực tập sinh kết thúc hợp đồng bị kẹt lại còn rất nhiều và đang gây sức ép rất lớn lên nghiệp đoàn quản lý, nhất là trong những tháng tới là thời điểm kết thúc hợp đồng nhiều trong năm, nghiệp đoàn không thể áp dụng biện pháp quản lý những người đã kết thúc hợp đồng như khi còn trong hợp đồng, tình trạng thiếu việc làm, phá sản xảy ra ngày càng nhiều trong các công ty tiếp nhận lao động Việt Nam.
Ngoài ra, ngày 28.7, 219 người lao động Việt Nam tại Guinea Xích Đạo cũng được đưa về nước, trong đó có 129 người dương tính với Covid-19. Đây là 219 lao động Việt Nam đi làm việc theo hơp đồng thầu khoán cung cấp lao động cho dự án xây dựng nhà máy thủy điện Sendje, tỉnh Littorial, Cộng hòa Guinea Xích đạo.
Theo Thu Cúc (Chinhphu.vn)