Việt Nam giữ thứ hạng cao về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu
Báo cáo của WIPO ghi nhận Việt Nam xếp thứ 42 trên 131 quốc gia và nền kinh tế, giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.
Theo phóng viên tại Geneva (Thụy Sĩ), bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Liên Hợp Quốc (GII) năm nay liệt kê năng lực cạnh tranh của 131 nền kinh tế dựa trên 80 tiểu tiêu chí được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên Hợp Quốc (WIPO), Trường Kinh doanh INSEAD và Trường Đại học Cornell phối hợp biên soạn. Theo bảng xếp hạng này, Việt Nam giữ vị trí thứ 42 năm thứ 2 liên tiếp - tăng từ vị trí 71 vào năm 2014.
Trong những năm qua, Việt Nam nằm trong số các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp thu được nhiều kết quả đổi mới ở nhóm chỉ số đầu ra hơn so với đầu vào, thuộc tốp 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian. Cũng trong bảng xếp hạng này, Việt Nam xếp thứ nhất trong nhóm 29 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp. So với năm 2019, Việt Nam có chỉ số về các sản phẩm sáng tạo tăng 9 bậc; chỉ số hợp tác viện trường, doanh nghiệp tăng 10 bậc; chỉ số số công bố bài báo khoa học và kĩ thuật tăng 13 bậc; năng lực hấp thụ tri thức tăng 13 bậc. Trong nhóm chỉ số đầu vào tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, Việt Nam tiếp tục tăng một bậc.
Cũng giống như năm ngoái, Thụy Sĩ đứng đầu GII năm 2020 - đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp ở "ngôi vương", tiếp theo là Thụy Điển và Mỹ. Thụy Sĩ luôn đạt được điểm cao về số lượng bằng sáng chế được nộp, sức mạnh của lực lượng lao động, các trường đại học, các bài báo khoa học được xuất bản và hiệu quả hoạt động của chính phủ.
Công bố bảng xếp hạng ngày 2.9, Tổng Giám đốc WIPO, ông Francis Gurry đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của đổi mới sáng tạo trong việc khôi phục nền kinh tế mỗi nước nói riêng và thế giới nói chung đã bị đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tàn phá.
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu là bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia. Trong đánh giá của WIPO, đổi mới sáng tạo được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ dựa trên nghiên cứu, phát triển mà bao trùm cả trong tổ chức, thị trường. Cách tiếp cận này của WIPO thể hiện quan điểm năng lực đổi mới sáng tạo của mỗi quốc gia có liên hệ mật thiết với trình độ phát triển, hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia đó và sự kết nối với các quốc gia/nền kinh tế khác.
Theo Chinhphu.vn