Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ
Từng là một trong những chiến trường khốc liệt, thời bình, Bình Ðịnh vẫn oằn mình gánh chịu những tàn tích của chiến tranh. Chính vì thế, các ngành chức năng của tỉnh đang tích cực triển khai các giải pháp để giảm thiểu tai nạn bom mìn, vật nổ; giải phóng một phần đất đai bị ô nhiễm và hỗ trợ tích cực cho nạn nhân bom mìn.
Lực lượng Công binh Bộ CHQS tỉnh tiêu hủy quả bom 500 bảng Anh phát hiện tại Khu kinh tế Nhơn Hội.
15.200 ha đất được khảo sát, rà phá bom mìn
Chiến tranh đã đi qua, nhưng bom mìn, vật nổ (BMVN) còn sót vẫn rình rập và đã gây ra nhiều tai nạn thương tâm lên những người dân chân chất, khó khổ. Theo tài liệu do Mỹ cung cấp, từ năm 1965 đến 1975, không quân Mỹ đã trút xuống địa bàn tỉnh Bình Ðịnh gần 400 nghìn quả BMVN, tương đương với trên 250 nghìn tấn. Sau chiến tranh, theo dữ liệu điều tra công bố năm 2018, 100% xã (phường, thị trấn) của tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh bị ô nhiễm BMVN. Diện tích ô nhiễm BMVN là 246.842 ha, chiếm 40,9% diện tích tự nhiên của tỉnh.
Mục tiêu của Kế hoạch khắc phục hậu quả BMVN giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh là: Giảm thiểu 15.000 ha nghi ngờ ô nhiễm; điều tra, khảo sát 10.000 ha và rà phá BMVN trên diện tích 2.500 ha. Diện tích đất đai được sử dụng sau điều tra, khảo sát rà phá BMVN là 2.500 ha. Nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn BM cho 50.000 người dân tại địa phương. Hỗ trợ 1.253 nạn nhân BM, góp phần giảm thiểu tỷ lệ hộ nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trong khu vực ô nhiễm BM.
Với những nỗ lực của địa phương và sự hỗ trợ của Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh”, từ năm 2010 đến nay, tỉnh ta đã tiến hành khảo sát, rà phá BMVN trên diện tích 15.200 ha. Riêng từ năm 2019 đến nay, lực lượng Công binh của Bộ CHQS tỉnh đã phát hiện và xử lý gần 40.090 BMVN các loại. Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Công binh (Bộ CHQS tỉnh), cho biết: “Trong hợp phần 1 của Dự án, Bộ CHQS tỉnh đã khảo sát kỹ thuật gần 9.700 ha tại các địa phương trong tỉnh thì có gần 4.125 ha đất bị ô nhiễm BMVN. Đặc biệt, chỉ riêng rà phá trên diện tích 1.000 ha những khu vực trọng tâm, có điều kiện để phát triển KT-XH tại các địa phương đã thu được 12.325 BMVN các loại. Điều đó cho thấy mức độ ô nhiễm BMVN trên địa bàn tỉnh còn khá cao, tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường”.
Việc Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” được triển khai tại Bình Định cũng đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đó là công tác phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân đã được các đơn vị, địa phương trong tỉnh và Ban quản lý Dự án phối hợp thực hiện tốt. Trong đó, đã có hơn 5.500 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cấp Tiểu học và THCS được tập huấn về lồng ghép giáo dục nguy cơ BMVN trong chương trình giảng dạy. Sau đó, các trường đã tổ chức lồng ghép giáo dục nội dung này vào các môn học và các hoạt động ngoại khóa.
Đồng hành cùng nạn nhân bom mìn
Ông Trần Quang Lâm, Quản lý Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh”, cho biết: “Qua công tác rà soát, thu thập thông tin, đã thống kê được toàn tỉnh có 43.760 người khuyết tật, nạn nhân BM. Từ nay đến khi dự án kết thúc (tháng 12.2020), chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ nạn nhân BM trên các mặt y tế và sinh kế. Cụ thể là hỗ trợ khám, đánh giá tình trạng sức khỏe; hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình; học nghề, hỗ trợ vốn và hỗ trợ sửa chữa nhà… Mọi sự hỗ trợ đều hướng đến mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân BM và người khuyết tật; từng bước tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng”.
Nhằm tiếp tục huy động nguồn lực trong nước và quốc tế giúp giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của BMVN phục vụ phát triển KT - XH; bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân BM hòa nhập đời sống xã hội; UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch khắc phục hậu quả BMVN giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tiến hành xác định vị trí, diện tích cần rà phá BM theo nhu cầu phát triển KT - XH của địa phương; tiến hành khảo sát kỹ thuật, lập phương án kỹ thuật thi công; phân chia khối lượng rà phá BMVN theo từng năm; lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực, tập trung lực lượng, phương tiện cần thiết triển khai nhanh, gọn để từng bước hoàn thành đúng tiến độ theo kế hoạch của UBND tỉnh. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ, bàn giao khu vực đã được rà phá hết BMVN cho các địa phương quản lý và sử dụng. “Các hoạt động trong kế hoạch sẽ tăng cường năng lực quản lý trong công tác khắc phục hậu quả BMVN sau chiến tranh, giảm thiểu tai nạn BMVN; giải phóng một phần đất đai bị ô nhiễm và hỗ trợ tích cực cho nạn nhân BM. Trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh xác định đưa dự án khắc phục hậu quả BMVN sau chiến tranh vào kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương và tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân, nhất là với những người khuyết tật, nạn nhân BM có cuộc sống tốt hơn”, ông Nguyễn Tuấn Thanh chia sẻ.
HỒNG PHÚC