An toàn lao động nghề biển: Cần quan tâm hơn
Cả tỉnh có hơn 40.000 lao động nghề biển làm việc trên gần 6.000 tàu cá, với nhiều tai nạn tiềm ẩn, xảy ra bất ngờ trong điều kiện làm việc cách xa đất liền. Do đó, đảm bảo an toàn lao động nghề biển cần luôn được chú trọng.
Tổ liên ngành gồm lực lượng CA tỉnh, BĐBP tỉnh, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) tuần tra, kiểm soát tất cả tàu cá trước khi ra khơi đánh bắt hải sản, nhằm đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân.
Rủi ro tiềm ẩn
Gần 6 năm đã trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc đến người cha quá cố của mình, ngư dân Mã Văn Đông (ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn) không cầm được nước mắt. “Đêm đầu tháng 10 âm lịch năm 2014 là một đêm tang thương với gia đình tôi. Lúc đó, cha tôi đang đi biển cho một thuyền làm nghề mành trải tôm trong xã, khi ông đứng làm tại máy cảo (máy tời) để kéo dây rút (dây tời) đưa lưới lên thuyền thì tay áo quấn vào máy. Ông bị máy cảo cuốn cả người vào và chết tại chỗ. Nếu có người phát hiện kịp thời tắt máy cảo, có thể ông sẽ không chết”, anh Đông bùi ngùi kể lại.
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 67 vụ sự cố về tàu thuyền với 521 ngư dân bị nạn trên biển, khiến 3 người chết, 4 người mất tích. Riêng 8 tháng đầu năm 2020, xảy ra 18 vụ sự cố liên quan đến tàu thuyền, ngư dân hoạt động trên biển.
Đêm 23.9.2019, tàu cá vỏ thép làm nghề mành chụp BĐ 99369 - TS hoạt động tại vùng biển cách TP Quy Nhơn hơn 60 hải lý, thì chủ tàu kiêm thuyền trưởng Nguyễn Hữu Thủy (ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) đã gặp tai nạn khiến bàn chân phải đứt lìa tại chỗ. “Tôi phụ “bạn” tàu đánh lưới và bị dây giằng gọng tăng gông quấn vào làm đứt lìa bàn chân phải. Anh em trên tàu băng bó cho tôi và phát tín hiệu đề nghị cứu hộ cứu nạn, lấy đá lạnh ướp bảo quản bàn chân của tôi, rồi cho tàu quay về bờ. Tàu chạy về được nửa đường gặp tàu của BĐBP tiếp cận, các bác sĩ quân y đã sơ cứu và đưa tôi về đất liền nhập viện để nối lại bàn chân bị đứt. Sau gần nửa năm, tôi mới hồi phục được sức khỏe đi biển lại”, anh Thủy nhớ lại.
Ngư dân Võ Tuân (ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá vỏ thép làm nghề mành chụp BĐ 99018 - TS, đã bị suy giảm sức khỏe do mất một bàn tay phải. Trong chuyến biển tháng 5.2017, khi tàu đang đánh bắt tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa, anh Tuân bị trụ cẩu trên tàu sứt mối hàn ngã xuống trúng bàn tay phải làm dập nát cả bàn tay. Thuyền viên trên tàu sơ cứu cho anh Tuân, sau đó cho tàu chạy gần 20 giờ về Quy Nhơn để đưa anh vào bệnh viện chữa trị. Anh Tuân bộc bạch: “Dù sao cũng còn may, lúc đó trụ cẩu mà rơi trúng người thì có lẽ tôi đã chết. Nghề biển luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tai nạn. Mỗi khi ra khơi, tôi luôn căn dặn anh em thuyền viên cẩn trọng khi sinh hoạt, làm việc trên tàu để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra”.
Trong quá trình sử dụng máy cảo để kéo dây rút đưa khoen, thu lưới lên tàu, nếu ngư dân bất cẩn có thể xảy ra tai nạn.
Cần quan tâm hơn an toàn lao động trên biển
Ngoài những rủi ro do ảnh hưởng thời tiết xấu gây nguy hiểm cho tàu cá, ngư dân còn gặp những tai nạn gây tổn hại sức khỏe, thậm chí tử vong, như bị dây tời quấn vào người, đau bệnh, dây đứt đánh trúng người, thuyền viên rơi xuống biển mất tích… Do vậy, đảm bảo an toàn lao động nghề biển cần được quan tâm hơn nữa, không chỉ về phía ngành chức năng, mà quan trọng nhất là các chủ tàu, ngư dân - những người trực tiếp làm việc trên biển.
Ngư dân Bùi Thanh Ninh, ở phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn), chủ đội tàu đánh bắt xa bờ 14 chiếc, chia sẻ: “Ngoài trang bị các thiết bị PCCC, phao cứu sinh trên các tàu cá theo quy định, tôi mua bảo hiểm thuyền viên cho tất cả anh em làm việc trong đội tàu của mình. Trước mỗi chuyến biển, tôi mua các loại thuốc, như thuốc sát trùng, thuốc giải độc khi bị ngộ độc thực phẩm, thuốc cảm, băng gạc… để trang bị cho tủ thuốc trên tàu. Khi tàu đang hoạt động trên biển, thông qua phần mềm điện thoại kết nối thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, tôi thường xuyên dặn dò anh em giữ gìn sức khỏe, cẩn thận khi làm việc...”.
Hội CTĐ tỉnh cũng thường xuyên phối hợp cùng ngành Thủy sản tỉnh mở các lớp tập huấn trang bị kiến thức để giúp ngư dân đảm bảo an toàn khi hoạt động trong quá trình khai thác thủy sản trên biển. Ông Hà Văn Cát, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, cho hay: “Cùng với việc phối hợp tuyên truyền các quy định, hỗ trợ áo phao, thiết bị cần thiết cho ngư dân, chúng tôi tập trung hướng dẫn ngư dân các kỹ năng cơ bản về phòng, chống cháy nổ trên tàu cá; cứu người rơi xuống biển; sơ cấp cứu, băng bó vết thương khi bị thương tích trong quá trình lao động, giúp ngư dân phòng ngừa, xử lý các tai nạn xảy ra trên biển”.
Về phía ngành Thủy sản, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa quản lý tàu cá, nhằm góp phần đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân khi hoạt động trên biển. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Trần Văn Vinh khuyến cáo: Để tránh các sự cố tai nạn liên quan đến tàu thuyền và ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng phải đảm bảo an toàn kỹ thuật máy tàu, vỏ tàu, thiết bị hàng hải, hệ thống thông tin liên lạc, PCCC, cứu hộ cứu nạn trên tàu; phân công thuyền viên làm việc trên tàu tại các vị trí dễ quan sát để sẵn sàng xử lý các sự cố xảy ra. Đặc biệt, bà con ngư dân cần chú trọng kiểm tra lại hệ thống máy tời, trụ cẩu, dây kéo lưới, máy tàu… trước khi ra khơi để đảm bảo an toàn; khi hoạt động trên biển phải sử dụng đồ bảo hộ, phao cứu sinh, tuân thủ Luật Hàng hải, Luật Thủy sản.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN