Chuyển đất trồng keo sang trồng cây ăn quả: Hướng đi hiệu quả
Những năm qua, khá nhiều hộ trồng rừng trong tỉnh đã chuyển đổi diện tích đất trồng keo sang trồng cây ăn quả, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế được các địa phương khuyến khích, hỗ trợ.
Vườn cam của ông Phạm Huy Thông ở thôn Định Trị (xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh) cho thu nhập ổn định.
Thực hiện định hướng phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu, huyện An Lão đã vận động, hỗ trợ người dân chuyển diện tích đất trồng keo tại các vườn đồi sang trồng cây ăn quả, nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất. Trưởng phòng NN&PTNT huyện An Lão Đỗ Đình Biểu cho biết: “Đến nay, cả huyện có 25 hộ dân chuyển 30 ha diện tích đất trồng keo sang trồng bưởi da xanh, cam xoàn, quýt. Huyện cũng hỗ trợ bà con cây giống, ứng dụng KHKT để phát triển mô hình trồng cây ăn quả; kêu gọi DN liên kết, bao tiêu sản phẩm cho bà con”.
Tháng 8.2017, ông Trần Chanh, ở thôn Thanh Sơn (xã An Tân, huyện An Lão) đã chuyển 1 ha đất trồng keo sang trồng bưởi da xanh, được ngành Nông nghiệp huyện hỗ trợ 300 cây giống, phân bón, chi phí lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm để thực hiện mô hình. Để “lấy ngắn nuôi dài”, ông Chanh trồng xen kẽ 150 cây ổi, thả nuôi 500 con gà, 200 con vịt xiêm, 10 con bò.
Dẫn chúng tôi ra vườn bưởi da xanh đã bắt đầu ra hoa kết trái, ông Chanh chia sẻ niềm vui: “Vườn bưởi đang phát triển tốt, quả nhỏ nhất nặng chừng 1,5 kg, lớn nhất nặng 2,8 kg. Tôi ráng chăm sóc vườn bưởi để đến cuối năm có thể thu hoạch xuất bán lứa bưởi đầu tiên”.
Sau nhiều năm nhận thấy hiệu quả kinh tế không cao, năm 2010, ông Phạm Huy Thông, ở thôn Định Trị (xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh) chuyển 1 ha đất trồng keo, điều sang trồng cam, được ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh hỗ trợ 400 cây giống, phân bón. Ông Thông bộc bạch: “Do chưa có kinh nghiệm, nên phân nửa cây cam trong vườn bị chết sau khi trồng được một thời gian. Còn lại 200 cây, tôi chăm sóc đến năm thứ 3 thì cây bắt đầu cho trái, đến năm thứ 5 thì thu hoạch được 1,5 tấn cam, bán hơn 30 triệu đồng. Giờ mọi chuyện đã suôn sẻ, tôi thu hoạch từ 1,5 -1,7 tấn/năm, thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng tùy theo giá thị trường. Cuối năm nay, tôi sẽ mua thêm 50 cây bưởi da xanh về trồng thêm, sau này sẽ chuyển 2 ha đất trồng keo còn lại của mình để trồng chuyên canh cam, bưởi, dừa xiêm”.
Ông Hồ Chí Thuật, ở thôn Hòa Hiệp (xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm từ trồng chanh.
Theo bà Trần Thị Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo, xã vận động bà con chuyển đổi đất trồng keo, trồng điều, đất vườn kém hiệu quả sang trồng các loại cây quả, cây ngắn ngày khác để tăng giá trị kinh tế. Về lâu dài, địa phương sẽ phối hợp ngành chức năng huyện để hỗ trợ vốn, KHKT giúp nông dân nhân rộng thêm mô hình trồng cây ăn quả.
13 năm trước, ông Hồ Chí Thuật ở thôn Hòa Hiệp (xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) chuyển hơn 1 ha đất trồng keo sang trồng 500 cây chanh giấy. Đến nay, vườn chanh của ông Thuật thu hoạch mỗi năm 2 vụ, sản lượng khoảng 10 tấn chanh/năm. Ông Thuật vui vẻ cho biết: “Mỗi năm tôi thu 2 vụ chính, còn lại thu hoạch lai rai cũng kiếm hơn 150 triệu đồng/năm. Cây keo trồng đến 5 - 6 năm mới bán được, còn trồng chanh đến năm thứ 3 là bắt đầu có trái, từ năm thứ 4 trở đi là thu hoạch rộ rồi. Trên cùng một diện tích, nếu so với trồng keo thì trồng chanh cho thu nhập gấp 2,5 lần”.
Theo ông Trần Công Dũng, Chủ tịch UBND xã Bình Tường, địa phương hiện có hơn 73 ha diện tích đất trồng cây ăn quả. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ cây keo, bạch đàn, cây điều sang các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao là hướng đi giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, các cấp, ngành cần hỗ trợ các địa phương quy hoạch diện tích đất, định hướng giống cây trồng, đầu ra sản phẩm, kỹ thuật trồng, chăm sóc…
ÐOÀN NGỌC NHUẬN