Vân Canh - miền rừng bên phố biển
Vân Canh là huyện miền núi nhưng chỉ cách phố biển Quy Nhơn 40 km, đường đi thuận lợi cho những ai ở thành phố muốn đi chơi nơi núi rừng, tìm hiểu đời sống, sinh hoạt của đồng bào Bana, Chăm H’roi.
Suối ở làng Kà Xim.
Từ Quy Nhơn nếu đi Vân Canh theo lịch trình sáng đi chiều về, bạn có thể đến các làng đồng bào Bana, Chăm H’roi ở thị trấn Vân Canh và các xã Canh Hiệp, Canh Thuận, Canh Hòa một cách rất thuận lợi nhờ hệ thống đường giao thông khá tốt.
Từ Quy Nhơn đi đến ngã ba Long Vân (TP Quy Nhơn) rẽ trái theo tuyến đường phía Tây tỉnh đến xã Canh Vinh (huyện Vân Canh) rồi theo QL 19C đi khoảng hơn 10 km đến thị trấn Vân Canh, hoặc đi theo đường đến ngã ba Diêu Trì rẽ trái đi theo QL 19C khoảng 25 km đến thị trấn Vân Canh.
Do Vân Canh chưa có các điểm đến phục vụ du lịch, nếu khách đi theo đoàn đông người muốn giao lưu với các làng đồng bào Bana, Chăm H’roi huyện Vân Canh để được ngắm người dân mặc trang phục thổ cẩm truyền thống, diễn tấu cồng chiêng... thì liên hệ trước Phòng VH-TT huyện, UBND xã, hoặc trưởng làng nơi muốn giao lưu để nhờ kết nối, thỏa thuận việc phối hợp tổ chức.
Do nhiều yếu tố, khi đi đến nhiều làng ở Vân Canh, khách phương xa rất khó phân biệt đâu là làng Bana, đâu là làng Chăm H’roi vì cơ bản đều giống nhau, ít thấy đặc trưng riêng rõ nét. Trên địa bàn huyện vẫn chưa có ngôi làng nào được đầu tư để tạo nên điểm đến phục vụ du lịch. Qua tìm hiểu thực tế của chúng tôi, có thể giới thiệu bạn tham khảo một số làng để lựa chọn đến dạo chơi, dựa trên các yếu tố: Đường đi thuận tiện và không quá xa, giữ lại nhiều nhà ở theo kiến trúc truyền thống, cảnh quan làng hoặc đồi núi, suối đẹp. Một trong số này là làng Đăk Đâm (thị trấn Vân Canh), cách khu vực trung tâm thị trấn khoảng hơn 3 km, nơi có Suối Một thu hút nhiều người đến vui chơi. Tại các làng Kà Te, Kà Xim (xã Canh Thuận) cũng có con suối đẹp còn nguyên sơ để bạn khám phá.
Từ thị trấn Vân Canh theo QL 19C đi thêm khoảng 2 - 3 km đến xã Canh Thuận, sẽ thấy có con đường bê tông nằm bên tay phải, dẫn đến các ngôi làng Hà Lũy, Hà Văn Dưới, Kà Bưng, Hà Văn Trên nằm liền kề nhau, các làng này đều có nét thu hút riêng. Làng Hà Văn Dưới còn khá nhiều nhà sàn về cơ bản giữ được kiến trúc truyền thống so với nhiều làng khác. Làng Hà Văn Trên là nơi tập trung nhiều người giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Bana, bạn sẽ thấy điều này khi đi dạo quanh làng.
Nhà sàn ở làng Hà Văn Dưới (xã Canh Thuận).
Một trong những điều thú vị khi đi dạo qua các làng đồng bào ở Vân Canh, đó là quan sát người dân chăn thả gia súc ở khu vực đồi núi. Ở làng Hòn Mẻ (xã Canh Thuận), có một khu vực đồi thấp là nơi chăn thả khá nhiều bò, mỗi con đều có “vòng đeo cổ” giống như cái mõ được làm bằng gỗ mít (trên có đục lỗ để luồn dây, thanh sắt va chạm tạo tiếng), nên khi bò bước đi hoặc chỉ đứng tại chỗ ăn cỏ thôi cũng đều vang tiếng. Cả đàn bò như vậy tạo thành một “bản hợp xướng” nghe vui tai. Theo người dân, việc này nhằm giúp khi chăn thả bò trên đồi núi, trong rừng dễ tìm kiếm hơn.
Từ xã Canh Thuận, tiếp tục đi theo QL 19C (về hướng Phú Yên) đến khu vực làng Canh Phước (xã Canh Hòa), cách thị trấn Vân Canh khoảng 7 - 8 km, để ý bên phía tay trái bạn sẽ ấn tượng trước một con đường bê tông uốn lượn quanh co đi xuyên giữa đồi núi cao, kích thích sự tò mò khám phá con đường này dẫn đi đâu. Nếu cảm thấy cả xe và tay lái của mình “không ổn” khi đi trên đường dạng này, bạn nên gửi nhờ xe ở nhà dân trong làng Canh Phước, chịu khó đi bộ lên (khoảng trên dưới 30 phút tùy theo sức khỏe) sẽ thấy người dân chăn thả bò, dê trên núi, hay những ngọn đồi trồng bạt ngàn cây mì. Những người thích hoa được đền đáp trước một triền đồi có rất nhiều cây hoa dại màu tím khoe sắc trong nắng. Trên núi cao có những điểm đứng ngắm toàn cảnh các làng phía dưới và những dãy núi phía xa hơn.
Người dân chăn thả bò ở vùng đồi làng Hòn Mẻ (xã Canh Thuận).
Xã Canh Liên là vùng cao nhất của huyện Vân Canh, nơi có núi rừng hùng vĩ, các làng đồng bào dân tộc Bana giữ gìn tốt bản sắc văn hóa truyền thống. Điều trở ngại khi đến đây là bạn phải vượt qua 21 km đường đèo quanh co, nên thích hợp hơn với những “phượt thủ” có kinh nghiệm.
HOÀI THU