Phong trào võ thuật ở Hoài Ân: Ði vào chiều sâu, khẳng định chất lượng!
Cả huyện Hoài Ân hiện chỉ còn 5 võ đường, CLB đang hoạt động. Tuy nhiên, đây lại là địa phương thường xuyên cung cấp được nhiều VÐV chất lượng cao, tố chất tốt cho các đội tuyển tỉnh.
Về Hoài Ân một ngày cuối tháng 8 vừa qua, tôi ghé thăm nhà võ sư Trần Quý Ba. Nay ông đã chuyển sang nơi ở mới, khang trang hơn, với một phòng truyền thống, trưng bày những hiện vật liên quan đến các hoạt động võ thuật trong hàng chục năm qua. Võ sư Trần Quý Ba hồ hởi khoe: “Tôi chuyển về đây được vài tháng rồi, không còn ở gần chợ Mộc Bài như trước nữa. Địa điểm tập luyện hằng ngày cũng thay đổi, giờ tôi dạy học trò ở Trung tâm VH-TT&TT huyện. Ngay trước đợt nghỉ do Covid-19 này, các lớp của tôi có chừng trăm em, trong đó có khoảng 20 em tập đối kháng”.
HLV Lê Thanh Việt (ngoài cùng bên phải) xem các học trò tập dượt.
Võ đường Trần Quý Ba được xem là một trong những địa chỉ uy tín, thu hút đông đảo võ sinh nhất so với các võ đường trong tỉnh. Cũng vì chất lượng đào tạo tốt, nơi đây đã được chọn là vệ tinh võ cổ truyền từ năm 1996. Tính đến nay, võ đường đã cung cấp hàng chục VĐV có trình độ chuyên môn tốt cho các đội tuyển của tỉnh. Trong đó phải kể đến những cái tên nổi bật, từng giành nhiều huy chương tại các giải quốc gia như: Đặng Đình Văn, Thái Ngọc Dân (nội dung đối kháng võ cổ truyền và wushu), Trịnh Văn Lưu (nội dung hội thi võ cổ truyền)…
Trong khi đó, dù còn trẻ, nhưng Lê Thanh Việt cũng là một cái tên đáng chú ý trong giới võ thuật Hoài Ân. Đến với võ khá muộn, khi đã 15 tuổi, nhưng niềm đam mê cùng sự kiên trì đã giúp Việt nhanh chóng lĩnh hội được những ý tưởng từ người thầy đầu tiên - võ sư Trần Quý Ba. Nhờ đó, chỉ sau vài tháng tập luyện, anh được giới thiệu cho đội tuyển boxing tỉnh. Ngay ở giải vô địch quốc gia môn boxing đầu tiên năm 2005, Lê Thanh Việt đã xuất sắc đoạt HCĐ. Dù phải sớm dừng con đường võ thuật chuyên nghiệp để chuyên tâm việc học văn hóa, sau đó tham gia công tác tại Trung tâm VH-TT&TT rồi Huyện đoàn Hoài Ân, nhưng anh vẫn luôn gắn bó với võ thuật.
Những năm đầu thập niên 2010, Lê Thanh Việt cùng Thái Thành Việt (một kỹ sư khuyến nông của huyện) cùng nhau tổ chức nhiều đợt võ đài tại Hoài Ân, nhằm vực dậy phong trào ở một địa phương có truyền thống. Nhờ đó, tại giải boxing Đại hội TDTT toàn tỉnh năm 2013, đoàn VĐV huyện Hoài Ân đoạt 2 HCV, 2 HCB, 5 HCĐ, đứng nhì toàn đoàn. HLV Lê Thanh Việt chia sẻ: “Tôi rất mê võ, cũng vì vậy mà tôi từng ngày ngày vượt chục cây số từ nhà ở Ân Mỹ đến thị trấn Tăng Bạt Hổ học thầy Trần Quý Ba. Nhờ sự chỉ dạy của thầy cùng võ sư Đặng Hiếu Hiền ở đội tuyển boxing Bình Định, tôi có thêm nhiều kiến thức để hướng dẫn lại cho học trò. Dù công việc hiện tại không còn liên quan nhiều đến thể thao như trước, nhưng tôi vẫn duy trì phòng tập để giữ phong trào võ thuật và tìm kiếm VĐV cung cấp cho đội tuyển tỉnh”.
Đánh giá về công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV võ thuật tại các võ đường, CLB ở Hoài Ân, ông Nguyễn Thành Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, cho biết: “Các võ sư, HLV tại đây đều giữ được niềm đam mê, nhiệt huyết với võ thuật. Nhờ đó, họ luôn tìm kiếm những phương pháp huấn luyện mới mẻ, hiệu quả để đào tạo kỹ năng cơ bản tốt cho học trò. Chúng tôi đã rất tin tưởng và duy trì hệ thống vệ tinh tại đây trong thời gian dài, qua đó nhận được nhiều VĐV chất lượng để đào tạo thành những võ sĩ chuyên nghiệp. Dẫu từ tháng 8 này hệ thống vệ tinh võ cổ truyền được chuyển giao cho Trung tâm Võ thuật cổ truyền tỉnh, nhưng tôi tin những võ đường như Trần Quý Ba vẫn sẽ được tiếp tục ký hợp đồng là vệ tinh, để cung cấp những lứa năng khiếu có đạo đức và chuyên môn tốt cho đội tuyển tỉnh”.
HOÀNG QUÂN