Ðổi thay ở Vĩnh An
Vĩnh An là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Tây Sơn, nằm cách trung tâm huyện khoảng 15 km về phía Tây Nam. Xã có 404 hộ với 1.510 nhân khẩu được chia thành 5 làng, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số Bana chiếm 87,6% dân số.
Người dân xã Vĩnh An tham gia lễ hội tổ chức tại nhà văn hóa xã.
Phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh An hăng hái thi đua sản xuất, tạo nên những chuyển biến căn bản trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội. Đến nay, người dân đã có đầy đủ các công trình hạ tầng như điện, đường, trường, trạm và nước sinh hoạt để sử dụng.
Cụ Đinh Hương, 89 tuổi, ở làng Kon Giọt 2, cho biết: “Thực hiện chủ trương định canh, định cư của Đảng và Nhà nước, năm 1991 người dân xã Vĩnh An đã trở về và thành lập 5 làng sinh sống ổn định đến ngày hôm nay. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước trong sản xuất nông - lâm nghiệp gắn với chăn nuôi, người dân chúng tôi đã biết cách làm ăn và phát triển nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao. Chúng tôi tuyệt đối trung thành theo Đảng, theo cách mạng.”
Còn già làng, người có uy tín Đinh Đen ở làng Kon Giọt 1, chia sẻ: “Người dân Bana chúng tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ đầu tư hạ tầng đường giao thông, điện lưới, trường học, trạm y tế… và hỗ trợ nhiều giống cây trồng, vật nuôi để bà con sản xuất, nâng cao đời sống, tăng thu nhập; hỗ trợ khôi phục, bảo tồn những nét văn hóa riêng của dân tộc Bana. Nhờ đó mà cuộc sống của bà con trong xã ngày được ổn định và phát triển hơn”.
Ông Đinh Ven, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết thêm: “5 năm qua, xã nhận hỗ trợ kinh phí trên 1 tỷ đồng cho hơn 100 hộ dân mua bò sinh sản; nhận và cấp phát các chế độ chính sách cho các đối tượng chính sách với số tiền trên 2 tỷ đồng; kịp thời hỗ trợ 100% giống lúa cho bà con sản xuất. Hiện trên địa bàn xã, đã xuất hiện nhiều gương điển hình trong phát triển kinh tế, đời sống người dân ngày càng cải thiện. Xã đang tập trung công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhân rộng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc sinh hoạt và triển khai các dự án sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp phù hợp với định hướng phát triển KT-XH ở địa phương”.
TÍN TRỌNG