Agribank đưa vốn về vùng xa
Từ cuối năm 2018 đến nay, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam tỉnh (Agribank Bình Ðịnh) mở điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng tại huyện Tây Sơn, duy trì đều đặn phiên giao dịch vào thứ Tư hằng tuần; phục vụ nhu cầu vay vốn của người dân các xã: Tây Vinh, Tây Bình, Bình Thuận, Bình Tân, Tây An và Bình Hòa.
Ông Bùi Sơn Thạch, Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh (Agribank Tây Sơn), cho hay, nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay, phía ngân hàng thông qua hội, đoàn thể ở địa phương xây dựng các tổ vay vốn. Các thành viên có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh đăng ký với các tổ trưởng. Điểm giao dịch lưu động của Agribank đặt ngay tại trụ sở UBND xã Tây Bình, người dân các xã xung quanh rất thuận tiện để giao dịch. Đến nay, điểm giao dịch lưu động chuyên dụng đã tiếp cận và cho 154 khách hàng vay hơn 13 tỷ đồng.
Điểm giao dịch lưu động của Agribank Bình Định tại xã Tây Bình (Tây Sơn).
Ngoài ra, tại điểm giao dịch lưu động, Agribank còn hướng dẫn cho người dân tiếp cận với các dịch vụ, sản phẩm, tiện ích của ngân hàng hiện đại trên điện thoại, máy tính; hướng dẫn khách hàng đăng ký tài khoản ngân hàng, thực hiện một số giao dịch qua thẻ ATM để làm quen với thanh toán không dùng tiền mặt.
Tiếp cận được vốn vay ngay trong lần đầu tiên giao dịch tại điểm giao dịch lưu động chuyên dụng, bà Lê Thị Phương (thôn An Vinh 2, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn) có thêm vốn đầu tư chăn nuôi bò thịt. “Nhờ vay được 100 triệu đồng từ Agribank, gia đình tôi đầu tư vào chăn nuôi bò thịt vỗ béo. Giống bò thịt vỗ béo 3B nuôi khoảng 4 tháng xuất bán, mỗi năm nuôi 2 đợt. Thu nhập từ việc chăn nuôi bò thịt vỗ béo được gia đình tái đầu tư phát triển đàn, có được một số dư để trả lãi đúng hạn cho ngân hàng. Đến nay, gia đình tôi đã nhân đàn lên được 8 con”, bà Phương nói.
Hộ bà Lê Thị Phương (thôn An Vinh 2, xã Tây Vinh) vay vốn để đầu tư chăn nuôi vỗ béo bò thịt.
Tương tự, hộ ông Lê Văn Định (cùng thôn An Vinh 2, Tây Vinh) cũng vay vốn đầu tư vào chăn nuôi. Với số vốn vay 100 triệu đồng, ông Định mua trâu và gầy đàn 5.000 con vịt thịt. Theo ông Định, trước đây, để vay vốn, các hộ dân phải mất nhiều ngày lên tới trụ sở của Agribank Tây Sơn tại thị trấn Phú Phong để làm thủ tục vay. Nay có điểm giao dịch về tận địa phương, lịch trình thông báo rõ ràng nên rất thuận tiện cho người dân.
“Nhờ vốn vay của Agribank, nhiều hộ dân trên địa bàn xã có thêm điều kiện đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao đời sống. Người dân ăn nên làm ra đóng góp vào xây dựng và phát triển quê hương. Trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã có đóng góp một phần không nhỏ từ các chương trình tín dụng của Agribank”.
Ông Dương Ngọc Hiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Vinh
Theo ông Đỗ Đình Thân, Giám đốc Agribank Tây Sơn, điểm giao dịch lưu động phục vụ cho 6 xã nằm cách xa trụ sở chính của Agribank Tây Sơn; hiện có 4 xã thành lập tổ vay vốn, 2 xã Bình Tân và Bình Hòa đang trong quá trình xúc tiến thành lập các tổ vay vốn. “Chúng tôi liên kết với các tổ chức hội, đoàn thể để nắm bắt chính xác nhu cầu của từng địa phương, hộ gia đình nhằm xây dựng phương án, kế hoạch phân bổ vốn hợp lý. Điều này vừa tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay nhanh chóng, vừa giúp ngân hàng kiểm soát tốt các khoản vay, thu hồi nợ đúng quy định”, ông Thân cho hay.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Định tại Hội nghị triển khai công tác ngành ngân hàng tỉnh năm 2020, mục tiêu của Agribank là khơi dòng tín dụng “tam nông” tới người dân những vùng xa xôi, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các chương trình tín dụng phù hợp, thông qua các mô hình điểm giao dịch lưu động; cho vay vốn theo chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng. Agribank Bình Định là một trong những ngân hàng đẩy mạnh các giải pháp gia tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen ở khu vực nông thôn.
THU DỊU