Ðương chức nói một đằng, về hưu nói một nẻo
Nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc nghỉ hưu chỉ xảy ra ở một bộ phận rất nhỏ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, đây là hiện tượng nguy hiểm, có tác động xấu đến dư luận xã hội, làm suy giảm niềm tin ở quần chúng nhân dân.
Phải thừa nhận thực tế cán bộ nghỉ hưu là một “nguồn lực” quan trọng, đa phần tuy đã “hưu” nhưng “trí” còn sáng, nhiều người còn nhiệt huyết tiếp tục cống hiến cho xã hội, khẳng định uy tín bằng vốn kiến thức, kinh nghiệm của mình. Nhiều người tiếp tục tham gia công tác ở nơi cư trú, trong các tổ chức chính trị - xã hội, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, được nhân dân quý mến, kính trọng. Thế nhưng, vẫn có số rất ít đi ngược dòng.
“Về hưu trở cờ”
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; biểu hiện thứ 6 là “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”.
Các đảng viên đã nghỉ hưu vẫn có những diễn đàn để thẳng thắn bày tỏ quan điểm, đóng góp ý kiến cho việc chung.
- Trong ảnh: Đại biểu Hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đóng góp ý kiến xây dựng Luật Tố cáo (sửa đổi).
Còn Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cảnh báo: “Đã xuất hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với cương lĩnh, đường lối, điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên”.
Trên thực tế, một số cán bộ nghỉ hưu viết hồi ký hoặc có những phát ngôn theo kiểu “thấy cây mà không thấy rừng”, quy chụp, phán xét người khác một cách không có căn cứ. Một số trường hợp thường xuyên chấp nhận trả lời báo chí hải ngoại, có những phát ngôn chống phá Đảng và Nhà nước. Họ lấy làm tự hào khi được tán dương là “nhà dân chủ”, “người yêu nước đích thực”..., dần dần trở thành con rối trên bàn cờ của các thế lực phản động. Có những cựu cán bộ, đảng viên nghỉ hưu hoặc nghỉ việc lại tham gia vào các nhóm xã hội dân sự, những cái gọi là Văn đoàn Độc lập, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam…
Một trong những trường hợp điển hình của hiện tượng cán bộ nghỉ hưu nói và làm trái với đường lối, nghị quyết của Đảng, Nhà nước là ông Chu Hảo - nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức. Ông Hảo đã bị khai trừ ra khỏi Đảng.
Trên địa bàn tỉnh, một số ít cán bộ, đảng viên khi nghỉ hưu có những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng. Biểu hiện cụ thể là tham gia mạng xã hội thiếu trách nhiệm, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, có những bình luận thiếu ý thức chính trị, dễ bị kích động khi “luận bàn thế sự”. Một số tỏ ra bi quan, hoài nghi, có cái nhìn cực đoan về các chủ trương, quyết sách của lãnh đạo địa phương. Không chỉ về chính trị, tư tưởng, có người chia sẻ những thông tin sai lệch trên các lĩnh vực khác.
Mỗi người phải trang bị “bộ lọc” cho mình
Hiện tượng một số ít cán bộ nghỉ hưu có những phát ngôn, việc làm thiếu chuẩn mực, trái ngược so với lúc còn đương chức đã gây ra hậu quả xấu, là căn cớ để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá. Dù Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích, trân trọng các ý kiến góp ý, phản biện tâm huyết của những cán bộ nghỉ hưu, nhưng việc phát ngôn thiếu chuẩn mực, lệch lạc cần được chấn chỉnh, xử lý nghiêm.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên có lý do khách quan lẫn chủ quan. Về khách quan, việc thực hành dân chủ, phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình ở một số cơ quan, đơn vị chưa tốt, còn mang tính hình thức. Từ đó dẫn tới một bộ phận cán bộ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo có tư tưởng thực dụng, ngại nói thẳng, nói thật; đến khi nghỉ hưu mới được dịp “nói cho hả dạ”. Về chủ quan, những cá nhân đó thiếu sự rèn luyện, tu dưỡng bản lĩnh chính trị, không giữ được mình trước những biến chuyển không ngừng của đời sống chính trị.
Theo nguyên Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nguyễn Cảnh Huệ, nền tảng tư tưởng, bản lĩnh chính trị, tri thức về công tác xây dựng Đảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với từng đảng viên, nhất là khi đã rời vị trí công tác.
“Dù tiếp xúc với nhiều luồng thông tin thật giả lẫn lộn, nhưng nếu anh có nền tảng tốt, có “bộ lọc” tốt thì vẫn biết đâu là cái sai trái để đấu tranh, đâu là lẽ phải để bảo vệ đến cùng, và biết phát ngôn đúng nơi đúng chỗ. Đây là vấn đề rất hệ trọng trong giai đoạn hiện nay, trong thời điểm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp sắp đến”, ông Huệ phân tích.
Bên cạnh nỗ lực “giữ mình” của từng cán bộ nghỉ hưu, cần thiết phải thực hiện nghiêm cơ chế quản lý cán bộ, đảng viên. Cần đẩy mạnh rà soát, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách, dù là đương chức hay nghỉ hưu theo Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư.
HOÀI NHÂN