Giải ngân vốn đầu tư công: ODA bứt phá, chương trình mục tiêu vẫn khó
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của Bình Ðịnh đến cuối tháng 8.2020 đã đạt 3.526 tỷ đồng, tỷ lệ 53,38% và đang xếp vị thứ 24 trong số các tỉnh, thành của cả nước. Dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khá cao, nhưng tỉnh cần nhiều giải pháp đôn đốc, kiểm soát quyết liệt để đạt mục tiêu giải ngân hết 100%.
Tổng nguồn vốn tỉnh được giao thực hiện năm 2020 là hơn 6.510 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương hơn 3.876 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương hơn 1.727 tỷ đồng, vốn nước ngoài (ODA) hơn 906 tỷ đồng). Trong tỷ lệ giải ngân 53,38%, Bình Định bứt phá giải ngân vốn ODA dẫn đầu cả nước.
Nơi bứt phá, chỗ vẫn khó
Giám đốc Sở Tài chính Lê Hoàng Nghi cho hay: Hơn 1.021 tỷ đồng vốn ODA (gồm vốn năm 2020 hơn 906 tỷ đồng và vốn chuyển từ năm 2019 sang hơn 86 tỷ đồng), đến ngày 4.9 đã giải ngân hơn 731 tỷ đồng (73,3%). Trong 9 dự án sử dụng vốn vay ODA Trung ương cấp phát hơn 879 tỷ đồng, tỉnh đã giải ngân hơn 683 tỷ đồng (77,78%). Có được kết quả này là nhờ tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” về thủ tục, chậm giải phóng mặt bằng...
Dự án khắc phục hậu quả thiên tai một số tỉnh miền Trung - tỉnh Bình Định, do Ban Quản lý Dự án NN&PTNT làm chủ đầu tư, đã giải ngân 100% vốn ODA.
- Trong ảnh: Thi công công trình đập dâng Đức Phổ (xã Cát Minh, huyện Phù Cát). Ảnh: TIẾN SỸ
Dẫn đầu về kế hoạch giao vốn ODA năm nay với hơn 540 tỷ đồng, đến nay, dự án khắc phục hậu quả thiên tai một số tỉnh miền Trung - tỉnh Bình Định, do Ban Quản lý Dự án NN&PTNT làm chủ đầu tư, đã giải ngân 100%. Trưởng ban quản lý Dự án Tô Tấn Thi cho hay, đây là dự án tập trung các hạng mục đầu tư thiết yếu, cấp bách sửa chữa, khắc phục và nâng cấp công trình như đê, kè sông, đập dâng, kênh tưới tiêu, hạ tầng giao thông. Ngay từ đầu năm, với mục tiêu phải hoàn thành hạng mục đầu tư trước 3 tháng để đảm bảo tiến độ thi công, tránh mưa lũ, Ban tập trung đôn đốc, kiểm tra, giám sát và phối hợp tháo gỡ khó khăn ngay tại chân công trình, đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công.
Tuy Bình Định không nằm trong danh sách các tỉnh, thành chậm giải ngân vốn đầu tư công, và vốn ODA có sự bứt phá, nhưng nỗi lo vẫn chưa hết khi vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu mới chỉ giải ngân 42,62%. Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thành Hải cho biết: Đối với chương trình mục tiêu quốc gia, dù UBND tỉnh đã ban hành quyết định giao kế hoạch vốn trong quý I/2020, nhưng tỷ lệ giải ngân thấp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Cụ thể, với chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ chế thực hiện có một số đặc thù so với các chương trình, dự án khác về mức vốn ngân sách Trung ương hằng năm cho các xã; quy định xác định danh mục công trình được thực hiện từ cấp thôn, xã, huyện lên tỉnh; công trình do cấp xã làm chủ đầu tư; phần lớn công trình có quy mô đầu tư rất nhỏ, bình quân 100 triệu đồng đến 1,4 tỷ đồng/công trình, vì vậy số lượng dự án được phân bổ vốn và triển khai thủ tục đầu tư hằng năm rất lớn. 6 tháng đầu năm, các xã nông thôn mới thường triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư, tỷ lệ giải ngân vốn theo kế hoạch thường thấp, do chưa có khối lượng thực hiện, chủ yếu tập trung giải ngân cuối năm. Với chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, ngoài các nguyên nhân cơ bản nói trên, còn có khó khăn khi năm nay là năm đầu tiên đấu thầu qua mạng, địa phương lúng túng chưa thể triển khai trong 6 tháng đầu năm; chủ đầu tư là cấp xã nên việc đăng ký danh mục và triển khai còn chậm…
Đôn đốc, giám sát và hỗ trợ
Xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới, báo cáo Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, tỉnh Bình Định xác định tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp, đảm bảo đến ngày 30.9 tỷ lệ giải ngân của các dự án, nhất là các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương đạt ít nhất 60 - 80% kế hoạch vốn giao, tiến đến giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công của cả năm.
“Tỉnh Bình Ðịnh xác định tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp, đảm bảo đến ngày 30.9 tỷ lệ giải ngân của các dự án, nhất là các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương đạt ít nhất 60 - 80% kế hoạch vốn giao, tiến đến giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công của cả năm”.
Ông Nguyễn Thành Hải cho biết, yêu cầu đối với các chủ đầu tư, với vốn ngân sách tỉnh kéo dài từ năm 2019 sang năm 2020, nếu đến ngày 30.9.2020 mà chưa giải ngân hết kế hoạch vốn giao thì sẽ điều chỉnh giảm kế hoạch vốn (không bố trí lại), bổ sung cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt. Với dự án có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách tỉnh năm 2020 dưới 60%, kế hoạch vốn giao sẽ rà soát điều chỉnh cho dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh, kể cả việc điều chuyển vốn từ chủ đầu tư này sang chủ đầu tư khác.
Đối với các dự án sử dụng vốn Trung ương được giao kế hoạch vốn năm 2020, chủ đầu tư phải tập trung ưu tiên giải ngân đảm bảo đến ngày 30.9 đạt tối thiểu 60% kế hoạch vốn đã giao, nếu không phải báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở KH&ĐT) để xem xét chỉ đạo.
Riêng với khó khăn của vốn giao chương trình mục tiêu, tại cuộc họp đầu tháng 9 này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu nhấn mạnh: “Quy định vốn bố trí năm nào phải chi tiêu hết năm đó, nếu không thì phải chuyển trả cho Trung ương. Nhưng thủ tục đầu tư công không hề đơn giản, nhất là với chủ đầu tư cấp xã, nên bên cạnh kiểm tra, giám sát, Sở KH&ĐT cũng phải đôn đốc, hỗ trợ các địa phương thực hiện. Trường hợp địa phương nào làm không được thì báo cáo ngay cho tỉnh để thu hồi vốn bố trí cho địa phương khác”.
MAI HOÀNG