Các trường nỗ lực đổi mới, đáp ứng yêu cầu về chất lượng giảng dạy
2019 - 2020 là năm học nhiều khó khăn của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Dù vậy, bằng nỗ lực của từng tập thể, các trường đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo nền tảng để có những bứt phá mới trong các năm tiếp theo.
Ngày 4.9, tại Hội nghị tổng kết công tác thi đua năm học 2019 - 2020, của Khối thi đua các trường đại học, cao đẳng, Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh, các trường đã có những trao đổi, chia sẻ, cùng phấn đấu cho các mục tiêu đào tạo của năm học 2020 - 2021.
Vượt khó
Nhận định về tình hình tuyển sinh trong năm học vừa qua, ông Nguyễn Đình Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn - Khối trưởng Khối thi đua các trường đại học, cao đẳng, Trung tâm GDTX tỉnh, cho rằng: “Công tác tuyển sinh của các trường trong tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là tuyển sinh bậc học trung cấp và cao đẳng. Tuy nhiên, đảng ủy, ban giám hiệu các trường đã kịp thời chỉ đạo công tác tuyển sinh, hoàn thành chỉ tiêu được giao bằng nhiều biện pháp tích cực mà tập trung là nâng cao chất lượng giảng dạy, công tác tư vấn tuyển sinh”.
Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn hoàn thành công tác đào tạo thí điểm 2 nghề trình độ quốc tế: Cơ điện tử, Điện tử công nghiệp.
Trường ĐH Quy Nhơn đã tuyển sinh hệ chính quy được 2.904 sinh viên, đạt 60% chỉ tiêu; hệ vừa học vừa làm hơn 1.000 sinh viên, đạt 73% chỉ tiêu; hệ thạc sĩ được 540 học viên, đạt trên 91%. Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn có 988 học sinh, sinh viên nhập học, đạt 94% chỉ tiêu. Trường CĐ Y tế Bình Định tuyển sinh được 620 học viên, đạt tỷ lệ 103% (trong đó, có 162 sinh viên bậc cao đẳng hệ chính quy và 458 học viên hệ vừa học vừa làm). Trung tâm GDTX tỉnh tuyển mới 136 học sinh, cao hơn năm học trước; tổ chức quản lý 105 lớp với hơn 4.800 học viên hệ vừa học vừa làm, đào tạo từ xa và lớp bồi dưỡng...
Sau sáp nhập 4 trường trung cấp vào trường, Trường CĐ Bình Định một mặt tiến hành xây dựng các đề án, kế hoạch, báo cáo đáp ứng yêu cầu của Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, vừa sắp xếp, cơ cấu lại các đơn vị trong trường, tổ chức tuyển sinh. Ông Lê Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường CĐ Bình Định, chia sẻ: “Đây có lẽ là một năm học quá nhiều khó khăn đối với tập thể nhà trường khi phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc. Tuy vậy, trường đã chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với các cơ sở sáp nhập, tiến hành tuyển sinh, không để gián đoạn công tác này. Đồng thời, phối hợp với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX Quy Nhơn, Tây Sơn, Hoài Nhơn... mở lớp đào tạo trung cấp nghề cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS vừa học văn hóa vừa học nghề. Hướng đi này đã giúp trường nâng số lượng tuyển mới trong năm học 2019 - 2020 lên 22 ngành nghề với 758 học viên”.
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua cũng ảnh hưởng lên kế hoạch đào tạo, tổ chức thi và xét tốt nghiệp của tất cả các trường. Song, các trường cũng đã chủ động sáng tạo, kịp thời có các biện pháp khắc phục như: Chuyển hướng sang đào tạo trực tuyến; tư vấn tuyển sinh trực tuyến; giảm tải chương trình nhưng vẫn đảm bảo kiến thức cốt lõi...
Tiếp tục đầu tư cho chất lượng
Toàn khối các trường đại học, cao đẳng, trung tâm GDTX đang đào tạo hơn 33.100 học viên ở cả 3 bậc: Đại học, cao đẳng, trung cấp. Tập trung cho nhiệm vụ nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, các trường đã thu hẹp các ngành đào tạo có xu hướng dư thừa nhân lực, mở thêm ngành mới. Đơn cử như Trường ĐH Quy Nhơn mở 3 ngành mới đưa vào đề án tuyển sinh năm 2020: Kỹ thuật điều khiển tự động hóa, Công nghệ thực phẩm, Khoa học vật liệu. Trường CĐ Bình Định đã được Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt triển khai đào tạo 5 nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, gồm: Hướng dẫn du lịch (nghề trọng điểm cấp quốc tế), Quản trị khách sạn, Kỹ thuật chế biến món ăn (nghề trọng điểm cấp ASEAN), Chế biến và bảo quản thủy sản, Nghệ thuật biểu diễn dân ca (nghề trọng điểm cấp quốc gia).
Năm học 2020 - 2021, các trường đại học, cao đẳng và Trung tâm GDTX tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu hoàn thành tốt công tác tuyển sinh; đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, đào tạo theo tinh thần tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Ðồng thời, chú trọng phát triển các chuyên ngành mũi nhọn với chất lượng cao; xây dựng kế hoạch đầu tư đúng hướng, hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Phấn đấu trở thành các cơ sở giáo dục đào tạo trọng điểm trong khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên...
Các trường cũng mở rộng liên kết đào tạo, liên thông trong đào tạo. Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ liên kết với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông mở các lớp nghề mà địa phương có nhu cầu về nhân lực để phát triển kinh tế vùng như: Lâm sinh, Thú y, Xây dựng, Thủy lợi. Đồng thời liên kết với Công ty TNHH CJ Việt Nam trong việc đưa học sinh, sinh viên nghề Thú y về thực tập tại các trại chăn nuôi có quy mô lớn của công ty; liên kết với Công ty Mía đường Quảng Ngãi đào tạo công nhân sử dụng máy nông nghiệp... Vừa qua, Trường ĐH Quy Nhơn ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TMA Solutions, về tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng thực tập sinh, nhân sự, thực hiện các đề tài - dự án nghiên cứu liên quan lĩnh vực công nghệ thông tin, ngành Toán ứng dụng.
Năm học 2019 - 2020, Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ và Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn cũng đã hoàn thành công tác đào tạo thí điểm 3 nghề trình độ quốc tế: Công nghệ sinh học, Cơ điện tử, Điện tử công nghiệp. Trường ĐH Quy Nhơn hoàn thành tự đánh giá 3 chương trình đào tạo các ngành: Sư phạm Toán học, Sư phạm Hóa học, Kỹ thuật điện. Trường ĐH Quang Trung đã xây dựng lại chương trình đào tạo theo đề án tái cấu trúc, xây dựng mới chương trình đào tạo ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn - nhà hàng, Điều dưỡng, Công nghệ sinh học; xây dựng khu nhà lưới thực nghiệm, chuẩn bị phòng nuôi cấy mô.
NGUYỄN MUỘI