Cột điện ngã đổ dưới đầm Thị Nại vẫn chưa được thu dọn
Mặc dù người dân thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) đã nhiều lần kiến nghị, nhưng ngành Ðiện vẫn chưa có phương án thu dọn các cột điện bị bão làm ngã đổ nằm dưới đầm Thị Nại, gây ảnh hưởng đến ATGT đường thủy.
Bà Huỳnh Thị Lâm, chủ ghe vận chuyển khách qua lại xóm Cồn Chim, thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, bức xúc: Đợt bão cuối năm 2016 đã làm các cột điện từ thôn Vinh Quang 2 đến xóm Cồn Chim bị gãy đổ xuống đầm. Đến nay, hệ thống điện nơi đây đã được ngành Điện đầu tư xây dựng mới, nhưng các trụ điện cũ bị gãy đổ vẫn chưa được thu dọn, làm ảnh hưởng đến ghe thuyền của ngư dân đi trên đầm. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ, hay khi thủy triều dâng cao, nước chảy xiết, tàu thuyền qua lại xóm Cồn Chim dễ va vào các cột điện bị gãy đổ, dẫn đến tai nạn. Bà con địa phương đã nhiều lần kiến nghị ngành Điện có biện pháp tháo dỡ nhưng đến nay vẫn chưa thấy thực hiện.
Hệ thống trụ điện bị ngã đổ nằm dưới đầm Thị Nại, gây nhiều nguy cơ xảy ra TNGT đường thủy.
Ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, xác nhận, cách đây hơn 1 năm đã có một vụ tai nạn đường thủy khi chiếc ghe chở khách trong lúc vượt đầm Thị Nại ra xóm Cồn Chim đã va vào một trụ điện gãy, làm vỡ ghe. May mà hành khách gặp nạn đã được người dân địa phương ứng cứu kịp thời nên không xảy ra chết người. “Bà con ở xóm Cồn Chim chủ yếu sinh sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản nên thường đem sản phẩm tôm, cá, cua, ghẹ… vượt đầm Thị Nại bằng ghe, thuyền sang chợ Vinh Quang 2 bán cho thương lái vào lúc 3 - 4 giờ sáng. Ngoài ra, khu vực này còn có nhiều ghe thuyền của bà con ngư dân thường xuyên đánh bắt thủy sản vào ban đêm. Do vậy những trụ điện bị gãy nằm dưới đầm là mối nguy tiềm ẩn dẫn đến TNGT đường thủy”, ông Thiện nói.
Về vấn đề này, trước đây, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định Huỳnh Ngọc Việt đã hứa với cử tri sẽ thu dọn các trụ điện vào mùa hè năm 2019. Tuy nhiên, theo khảo sát của ngành Điện, do các móng trụ điện nằm sâu dưới lòng đất, mực nước đầm sâu nên rất khó trục vớt. Nếu thực hiện bằng phương pháp thủ công, xô ngã trụ tại chỗ thì chi phí thấp, dễ thực hiện nhưng ảnh hưởng đến môi trường, gây cản trở dòng chảy và cũng ảnh hưởng đến ATGT đường thủy nên không thể triển khai thực hiện.
Theo ông Hồ Quang Thịnh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định, để trục vớt được cả phần móng các trụ điện thì phải có xà lan, cần cẩu có tải trọng lớn, chi phí cho việc trục vớt sẽ rất cao. Trong khi Công ty Điện lực Bình Định là đơn vị hạch toán phụ thuộc, phải chờ xin kinh phí cấp trên xét duyệt, do đó chưa thể thực hiện ngay được. “Trước mắt, đơn vị đã lắp đặt biển báo phản quang trên tất cả các vị trí móng cột để tàu thuyền nhận biết khi qua lại, tránh được tai nạn”, ông Thịnh thông tin.
GIA NGUYỄN