Nỗi lo từ các hồ chứa nước
Thời gian qua, tỉnh ta đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình thủy lợi phục vụ đời sống sản xuất của người dân. Tuy vậy, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hồ chứa bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ gặp sự cố trong mùa mưa lũ năm nay.
Nâng cấp, sửa chữa hồ chứa nước Thạch Bàn, xã Cát Sơn (huyện Phù Cát).
11 hồ chứa bị hư hỏng nặng
Trong số các hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp hồ Hố Trạnh, ở xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ là đáng ngại nhất. Hiện mái thượng lưu và đập đất bao quanh hồ chứa này đã bị xói lở, nhiều đoạn không còn khả năng bảo vệ hồ; tràn xả lũ bị sụp gãy hoàn toàn. Hồ chứa nước này nằm gần khu dân cư, nếu xảy ra sự cố, hậu quả rất khó lường.
Ngoài ra cũng tại huyện Phù Mỹ, các hồ chứa: Giàn Tranh, ở xã Mỹ Hòa; Thuận An, xã Mỹ Thọ và Hóc Xoài, xã Mỹ Trinh cũng đã bị hư hỏng nặng, nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa. Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, cho hay: “Phần lớn các hồ chứa đã được xây dựng khá lâu, trong điều kiện kỹ thuật hạn chế, qua thời gian sử dụng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ, nên đã bị hư hỏng từ lâu. Do ngân sách hạn chế, nên địa phương chưa có điều kiện nâng cấp, sửa chữa bài bản chỉ dặm vá là chính. Vì vậy, các hồ chứa xuống cấp ngày càng nặng hơn. Khi xảy ra mưa lũ lớn, cả huyện và xã đều rất lo các hồ chứa xảy ra sự cố. Hiện chúng tôi đang hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho các công trình nói trên”.
Hồ chứa nước Đá Bàn, ở thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát nằm khá gần khu dân cư và cũng đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Hồ chứa này có đập đất được lát đá khan, nhưng đã bị bong tróc, cây gai xâm lấn thân đập. Các cửa tràn xả lũ bằng sắt cũng đã bị rỉ mục, mất tác dụng. Đất cát bồi lấp như toàn bộ lòng hồ và cống lấy nước. Ông Mai Hữu Phước, ở thôn Vĩnh Hội, chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 1 ha đất sản xuất lúa và hoa màu ăn nước từ hồ chứa Đá Bàn, nhưng do hồ thường xuyên khô cạn, nên để có nước sản xuất tôi phải đóng giếng ngầm lấy nước. Mùa mưa lũ, nước từ trên núi mang theo đất cát vượt qua cống cùng cửa tràn hồ chứa chảy tuột xuống ruộng đồng và nhà dân, có chứng kiến cảnh tượng ấy mới thấy dân đang bị nguy hiểm đe dọa”.
Đề cập đến thực trạng và việc nâng cấp, sửa chữa hồ Đá Bàn, ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, thở dài: “Các hạng mục của hồ chứa Đá Bàn đều đã bị xuống cấp, lòng hồ cũng bị đất cát lấp đầy. Người dân nhiều lần kiến nghị nâng cấp, sửa chữa nhưng địa phương chưa tìm được nguồn vốn để thực hiện. Vừa qua, UBND huyện cho một số DN khai thác, nạo vét đất cát trong lòng hồ, khơi thông cống lấy nước, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, các ngành chức năng của tỉnh không đồng tình, nên chúng tôi yêu cầu DN dừng lấy đất cát. Hiện UBND huyện đang chỉ đạo ngành chức năng và UBND xã Cát Hải xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho hồ chứa nước này, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, bố trí kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương nâng cấp, sửa chữa hồ Đá Bàn.”
Theo ông Hồ Đắc Chương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, ngoài các hồ chứa nói trên, còn có 6 hồ chứa: Hóc Dài, ở phường Hoài Đức (TX Hoài Nhơn); Ân Đôn và Cây Điều, xã Ân Phong (huyện Hoài Ân); Suối Cầu, xã Canh Hiển và Suối Mây, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh); Hóc Thánh, xã Bình Tường (huyện Tây Sơn) cũng không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm nay. Phần lớn, hệ thống đập đất của các hồ chứa đều đã bị xói lở sâu vào thân đập. Mái hạ lưu hồ chứa xuất hiện tình trạng thẩm lậu, nước thấm qua đập. Hệ thống cống lấy nước, tràn xả lũ của các công trình cũng bị hư hỏng, gãy và rò nước với mức độ khác nhau, rất nguy hiểm khi xảy ra mưa lũ lớn.
Cống lấy nước và tràn xả lũ hồ chứa nước Đá Bàn, xã Cát Hải, huyện Phù Cát được đầu tư xây dựng kiên cố, nhưng cũng bị hư hỏng.
Không được chủ quan, lơ là
Ông Trần Văn Phúc, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Hằng năm ngành Nông nghiệp tỉnh đều tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn các chủ hồ phương án quản lý, bảo vệ công trình. Trước mùa mưa lũ năm nay, Sở NN&PTNT cũng đã kiểm tra thực trạng hồ chứa và hướng dẫn các đơn vị xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho các công trình. Riêng đối với hồ chứa bị hư hỏng, chưa có kinh phí nâng cấp, sửa chữa đồng bộ, chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương gia cố tạm hoặc không tích nước khi xảy ra mưa lũ lớn. Bên cạnh đó, chuẩn bị vật tư, vật liệu tại các công trình hồ chứa, sẵn sàng lực lượng để ứng phó các tình huống có thể xảy ra.
Mùa mưa lũ năm nay được dự báo là đến sớm và diễn biến phức tạp, vì vậy việc đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, trong đó có các hồ chứa đang bị hư hỏng nặng cần phải được quan tâm nhiều hơn. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết: Các địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc duy tu, sửa chữa các công trình hồ chứa, trong khi đó thiên tai ngày càng xảy ra nhiều hơn và bất thường. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu cần phải nâng cao cảnh giác, không được chủ quan, lơ là. Trước mắt, các địa phương phải kiểm tra rà soát, đánh giá mức độ an toàn của từng công trình và xây dựng phương án bảo vệ. Đối với các công trình đang được nâng cấp, sửa chữa, chủ đầu tư cần phải đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo vượt lũ an toàn. Với các công trình bị xuống cấp, chưa có điều kiện nâng cấp, các địa phương cần phải trích ngân sách để tu sửa, gia cố tạm và xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho từng công trình theo phương châm 4 tại chỗ. Những hồ chứa có nguy cơ bị sự cố cao, khi xảy ra mưa lũ lớn thì không được tích nước. UBND tỉnh cũng sẽ nghiên cứu, bố trí vốn để nâng cấp các hồ chứa đã bị xuống cấp.
PHẠM TIẾN SỸ