Nghề nuôi trồng thủy sản trong cơn lao đao
Từ đầu năm đến nay, hoạt động nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn do thời tiết biến đổi bất thường, dịch bệnh phát sinh, cộng với giá thủy sản giảm sâu khiến người nuôi trồng thủy sản trong tỉnh lao đao.
Người dân nuôi tôm tại thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) đã bỏ ao.
Vùng nuôi tôm an toàn sinh học tại thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) có 43 hộ nuôi tôm trên tổng diện tích 23 ha, song cả 2 vụ nuôi tôm năm nay, ở những thời điểm quan trọng đều gặp những đợt thời tiết bất thường gây dịch bệnh, giá tôm giảm sâu khiến người nuôi gặp khó.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), đến tháng 8.2020, toàn tỉnh có 3.790 ha diện tích nuôi trồng thủy sản; trong đó, diện tích nuôi thủy sản nước lợ, mặn là 2.290 ha, còn lại là diện tích nuôi thủy sản nước ngọt. Sản lượng nuôi trồng ước đạt 4.812 tấn thủy sản các loại; trong đó, sản lượng tôm nước lợ 3.400 tấn, cá nước mặn, lợ 152 tấn, cá nước ngọt 1.200 tấn, còn lại là thủy sản khác.
Ông Phạm Văn Chạy, Chi hội trưởng cộng đồng nuôi tôm thôn Đông Điền, bộc bạch: “Trong vụ 1, gần đến kỳ thu hoạch thì có mưa giông làm môi trường ao nuôi biến động, tôm bị dịch bệnh, phải thu hoạch sớm để gỡ gạc. Đến vụ 2, theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp huyện, bà con thả tôm nuôi với mật độ thưa 30 con/m2 và thả xen canh cua, cá trong ao, nhưng do nắng nóng lại kéo dài bất thường, độ mặn tăng cao, tôm mới thả nuôi khoảng 20 ngày đã xuất hiện dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt, coi như bỏ cả ao!”.
Người nuôi cá lồng bè trên biển cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Nguyễn Văn Thành, ở Hải Minh Trong, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) thả nuôi hơn 2.000 con cá bớp, 5.000 con cá chẽm, 4.000 con cá mú trên 50 lồng nuôi. Nhưng cá giống thả nuôi hơn 1 tháng đã bị nhiễm bệnh chết gần 40% trong tổng đàn. “Năm ngoái không có lũ, nên lượng bùn đất không được rửa trôi khiến cá nuôi dễ nhiễm bệnh. Cá nhiễm bệnh chết đã đành, mà do dịch bệnh Covid-19 khiến sức tiêu thụ giảm, làm giá cá giảm theo, như cá bớp giảm 30.000 - 40.000 đồng/kg, cá chẽm giảm 25.000 đồng/kg, riêng cá mú giá từ 270 nghìn đồng/kg giảm xuống chỉ còn 180 nghìn đồng/kg. Nhiều hộ lo thu hoạch sớm để gỡ vốn, rồi thả nuôi gối đầu để hy vọng sẽ gỡ gạc vào cuối năm”, ông Thành chia sẻ.
Lỗ nặng nhất có lẽ là người nuôi tôm hùm thương phẩm (tôm thịt) ở Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) - nơi được mệnh danh là vựa tôm hùm lớn nhất cả tỉnh. Toàn xã có 27 hộ thả nuôi 46.000 con tôm thịt trên 12 bè, thời điểm này là chính vụ thu hoạch tôm thịt, nhưng tôm hùm được thương lái mua gom bằng hình thức “cân xô” mua các loại tôm loại 1 (1 kg trở lên), loại 2 (từ 8 lạng đến dưới 1 kg) và loại 3 (từ 6 lạng đến dưới 8 lạng) với cùng một mức giá 800 nghìn đồng/kg. So với cùng kỳ năm trước, giá tôm loại 1 giảm 1 triệu đồng/kg, loại 2 giảm 800 nghìn đồng/kg, loại 3 giảm 700 nghìn đồng/kg.
Các hộ nuôi cá bằng lồng bè trên biển ở Hải Minh Trong, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) thu hoạch sớm để gỡ vốn.
Ông Nguyễn Văn Bé, ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải, thả nuôi 1.200 con tôm thịt, nhưng có 800 con tôm bị chết do nhiễm bệnh sữa, đen mang; số tôm còn lại đến kỳ thu hoạch thì được bán với giá “cân xô”. Ông Bé buồn bã nói: “Một vụ nuôi kéo dài 18 tháng mới xuất bán được, đầu tư khoảng 700 triệu đồng để mua tôm giống, thức ăn; cho dù có hao hụt, nhưng với giá tôm 1,7 - 1,8 triệu đồng/kg như năm ngoái thì còn gỡ vốn được. Đằng này giá tôm rẻ như bèo, lại bị bệnh chết nhiều, tính ra tôi lỗ hơn 300 triệu đồng tiền mua giống, thức ăn, chưa tính công nuôi. Những hộ nuôi nhiều hơn tôi có người lỗ từ 500 triệu đến cả tỷ đồng”.
Theo ông Đỗ Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, đến nay, người nuôi tôm trong xã đã thu hoạch hơn 9 tấn tôm thịt. Nhưng do tôm rớt giá mạnh, dịch bệnh phát sinh khiến người nuôi thua lỗ. Nhiều hộ sau khi bán tôm đã quyết định bỏ nghề, bán lại lồng, bè nuôi. Hiện còn một số hộ nuôi tôm trong xã ráng cầm cự chờ tôm nhích giá để bán, song có thông tin thương lái mua tôm nợ tiền không trả tại xã Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) và tại một số địa phương ở tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa khiến bà con lại càng lo lắng.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN