“Xã” và “xã tắc”
Với mỗi người Việt, các từ tổ quốc, giang sơn, nước nhà, đất nước, nước non, xã tắc… từ lâu đã trở thành những từ khi dùng đến ai cũng thấy phải trang trọng hơn. Về xã tắc, ai cũng biết từ này được dùng như “đất nước” nhưng hẳn không phải ai cũng rõ vì sao nó lại mang nghĩa này.
Xã tắc là một từ Việt gốc Hán. Trong tiếng Hán, xã (bộ kì, liên quan đến thần linh, cúng tế) có nghĩa là “thần đất”, rồi chỉ “lễ/ hoạt động/ chỗ tế thần đất”; tắc (bộ hòa, liên quan đến lúa), chỉ tên một loại lúa, tức lúa tắc, giống lúa quý nhất trong các loại lúa. Cho nên, tắc còn được dùng để chỉ “chức quan coi về việc làm lúa”, “thần lúa”. Xã tắc ban đầu là thần đất và thần lúa, rồi mang nghĩa “chỗ tế thần đất, thần lúa”. Chỗ tế này được gọi là đàn xã tắc, là một trong những nơi thiêng liêng nhất của một nước (chỗ tế trời gọi là đàn kính thiên). Từ đó, xã tắc mở rộng nghĩa “đất nước”. Vì thế, từ này thường được gộp chung với giang sơn để có cách gọi giang sơn xã tắc.
Trong tiếng Hán chỉ có duy nhất một từ xã (không có từ đồng âm khác). Ngoài nét nghĩa “thần đất”, từ này còn mang nhiều nghĩa khác. Theo Thiều Chửu, ngày xưa người ta chia 25 nhà ra làm 1 xã. Như vậy, xã là một đơn vị hành chính. Nét nghĩa này vẫn tồn tại trong tiếng Việt với các từ, ngữ như: xã đoàn, xã đội, xã phường, chủ tịch xã, ủy ban nhân dân xã…
Việc chia 25 nhà thành 1 xã là nhằm để thuận tiện trong việc họp bàn công việc có ích chung. Việc họp bàn này được gọi là xã hội (hội: gặp). Từ nghĩa này, xã hội mở rộng nghĩa “kết hợp nhiều người thành một đoàn thể có quan hệ chung”.
Xã còn được dùng để chỉ “hội/ cơ quan của những người cùng làm một việc”, như trong các từ: hợp tác xã (hội những người hợp lại để làm chung), thi xã (hội những người làm thơ), thông tấn xã (cơ quan chuyên làm nhiệm vụ thu thập, biên tập tin tức), thư xã (hội những người làm sách, tức nhà xuất bản; tiếng Trung gọi là xuất bản xã [âm Hán Việt])…
Ta từng nghe đến danh xưng Đức Quốc Xã. Đây là cách gọi tắt của “nước Đức theo chế độ quốc xã”. Quốc xã lại là cách nói tắt của “quốc gia xã hội chủ nghĩa”, thuật ngữ chỉ “hệ tư tưởng và những hành động của Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa” thời Adolf Hitler.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ