Vĩnh Thạnh phát triển diện tích cây ăn quả: Hướng đi khả quan, bền vững
Thực hiện định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Vĩnh Thạnh khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi diện tích trồng keo, trồng điều, đất vườn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Những kết quả ban đầu cho thấy đây là hướng đi khả quan, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Đến nay, cả huyện có hơn 100 ha dừa, 67,4 ha cam, bưởi, 81,3 ha xoài từ 3 năm tuổi trở lên…, có một số diện tích đã cho thu hoạch. Theo ông Trần Công Quang, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, diện tích trồng cây ăn quả của huyện đã tăng 50 - 70% so với năm 2016, do nông dân đã chuyển đổi diện tích trồng điều, trồng keo, cây đất vườn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Để khuyến khích nông dân phát triển cây ăn quả, giúp tăng thu nhập trên cùng diện tích đất, huyện hỗ trợ cây giống, phân bón; tư vấn, tập huấn KHKT cho nông dân.
Vườn cây ăn quả của gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết, ở thôn Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Hiệp hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Được sự hỗ trợ của ngành NN&PTNT huyện, năm 2017, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết, ở thôn Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Hiệp, chuyển vườn điều 3.000 m2 sang trồng 90 cây bưởi da xanh, 15 cây dừa xiêm lùn, cùng các loại cây mận, xoài, mãng cầu. Chỉ tay về vườn bưởi da xanh 3 năm đang ra trái bói, chị Tuyết vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi xác định trồng cây bưởi da xanh và dừa xiêm lùn là chính. Cùng với đó gia đình tôi còn trồng xen canh thêm xoài, mận, mãng cầu, đây là nguồn thu lai rai quanh năm, thu nhập phụ nhưng cũng được 15 - 20 triệu đồng/năm. Sang năm đến kỳ bưởi, dừa đã thu hoạch được rồi, vợ chồng tôi sẽ chuyển thêm 2 ha đất trồng keo sang trồng bưởi da xanh, dừa xiêm lùn”.
Sau khi thu hoạch xong 1,3 ha keo, đầu năm nay, ông Nguyễn Thành Công, ở thôn Định An, thị trấn Vĩnh Thạnh, đầu tư 300 triệu đồng cải tạo đất, lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt, mua 600 cây bưởi da xanh về trồng. “Cây keo trồng từ 5 - 6 năm mới khai thác, cũng có khi khai thác từ năm thứ 4, nhưng tính ra 1 ha keo thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng; trong khi cũng cùng diện tích ấy, trồng bưởi da xanh chừng 4 - 5 năm sẽ cho thu nhập cao gấp 2 - 3 lần”, ông Công chia sẻ.
Trên tổng diện tích 6 ha đất nông nghiệp của mình, ông Đặng Văn Khánh, ở thôn K8, xã Vĩnh Sơn, chia ra trồng 3 loại cây, gồm: Sầu riêng, bơ sáp, bơ Booth, mắc ca; trong đó, ông Khánh dành 2 ha trồng 1.000 cây mắc ca, 4 ha trồng xen canh 250 cây sầu riêng 2 năm tuổi với 400 cây bơ sáp, bơ Booth 2 năm tuổi, đều đang kỳ ra trái.
Nhiều nông dân ở huyện Vĩnh Thạnh trồng cây ăn quả, ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước.
Ông Khánh chia sẻ: “Vườn mắc ca tôi trồng được 7 năm, từ năm thứ 4 đã cho thu hoạch từ 1,5 - 2 tấn mắc ca/năm, bán được 150 triệu đồng; còn cây sầu riêng đang phát triển rất tốt, dự tính 3 năm nữa sẽ có trái để thu hoạch. Riêng 400 cây bơ đã cho trái, cuối tháng này sẽ bắt đầu thu hoạch, ước cũng được khoảng 3 - 4 tạ bơ. Nói chung thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu ở Vĩnh Thạnh cho phép mình trồng được nhiều loại cây ăn trái, nếu chuyên cần và thực hiện đúng các hướng dẫn khoa học hiệu quả mang lại sẽ tốt lắm”.
Để thực hiện có hiệu quả cao định hướng phát triển cây ăn quả, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Lê Văn Đẩu cho biết: Huyện sẽ tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch tập trung phát triển diện tích trồng cây ăn quả giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, ưu tiên phát triển diện tích vườn cây ăn quả từ 1.000 m2 trở lên trồng các loại cây phù hợp thổ nhưỡng của huyện; với các xã miền núi tập trung phát triển cây bơ sáp, sầu riêng, chôm chôm, chanh dây; các xã đồng bằng sẽ trồng cam, quýt, bưởi da xanh. Tiếp tục hỗ trợ cây giống, KHKT, vốn vay để khuyến khích bà con phát triển cây ăn quả, hướng đến xây dựng thương hiệu cây trồng đặc trưng của Vĩnh Thạnh là sầu riêng, chôm chôm, bơ; thành lập các HTX cây ăn quả để thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhằm tăng hiệu quả kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững sau này.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN