Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi thượng tôn pháp luật ở Biển Đông
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 9.9 đề nghị thúc đẩy vai trò trung tâm của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế như UNCLOS 1982.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc AMM 53 ngày 9.9. Ảnh: NHẬT ĐĂNG
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh năm 2020 là một năm nhiều cảm xúc, trong đó ASEAN bước sang thập kỷ thứ 6, còn Cộng đồng ASEAN đã hình thành 5 năm, phát triển mạnh mẽ, thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Từ đó, ASEAN là một lực lượng quan trọng, giữ vai trò trung tâm cho đối thoại, hợp tác vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực.
"Những thành quả đáng trân quý ấy đang được thử lửa trong môi trường đầy biến động, với những thách thức chưa từng thấy, nhất là sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Gắn kết và chủ động thích ứng không chỉ đơn thuần là chủ đề của 2020 mà điều đó cùng với tinh thần chủ động và trách nhiệm đã trở thành "thương hiệu" của ASEAN, giúp chúng ta tay trong tay, ngẩng cao đầu đối diện với khó khăn thách thức, đoàn kết cùng vượt sóng gió, tự tin tiến lên", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết ông đánh giá cao Tuyên bố chung dịp kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN. Các bộ trưởng ngoại giao trong đó đã khẳng định quyết tâm duy trì khu vực Đông Nam Á hòa bình, an ninh, trung lập và ổn định, đồng thời củng cố đoàn kết, tự cường, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy xây dựng lòng tin và cùng nhau hướng tới một khu vực hòa bình, ổn định, tôn trọng lẫn nhau và dựa trên luật lệ.
Trong phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ trưởng ngoại giao ASEAN thúc đẩy 3 ưu tiên:
Thứ nhất, tiếp tục đề cao đoàn kết, giữ vững thống nhất, triển khai thành công các kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; kịp thời đánh giá, nâng cao hiệu quả triển khai Hiến chương ASEAN, bộ máy ASEAN, làm cơ sở hoạch định tầm nhìn phát triển cho ASEAN sau 2025.
Thứ hai, tập trung đẩy lùi dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi bền vững. Sử dụng hiệu quả Quỹ ứng phó Covid-19 và đưa vào vận hành kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, hỗ trợ năng lực ứng phó của ASEAN; nhanh chóng hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, các doanh nghiệp, địa phương khôi phục sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Thực hiện thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển, gắn kết các tiểu vùng, trong đó có Mekong, với phát triển chung của ASEAN...
Thứ ba, phát huy hiệu quả vai trò trung tâm của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin; từ đó hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng, bình đẳng, tin cậy lẫn nhau trong quan hệ giữa các quốc gia;
Giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 và tinh thần các văn kiện quy chuẩn của ASEAN về ứng xử chung ở khu vực như Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), cũng như Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Theo NHẬT ĐĂNG (TTO)