Lọc ảo - hỗ trợ tuyển sinh công bằng
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, căn cứ tình hình thực tế và đảm bảo quyền lợi tối đa cho các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT của cả hai đợt, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh lùi mốc thời gian trong lịch triển khai công tác tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng (ngành giáo dục mầm non).
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng vừa có công văn chỉ đạo các trường ĐH, CĐ và các sở GD&ĐT 63 tỉnh thành phối hợp trong công tác tuyển sinh, nhằm đảm bảo công tác tuyển sinh được thực hiện đúng quy chế, bảo đảm tính công bằng và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trên cả nước.
Thí sinh trúng tuyển bằng điểm học bạ xác nhận nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, ngày 8.9.2020. Ảnh: THANH HÙNG
Thống nhất quy trình xét tuyển toàn quốc
Để thống nhất công tác tuyển sinh, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, lọc ảo trong toàn hệ thống, Bộ GD&ĐT quyết định điều chỉnh thời điểm tổ chức xét tuyển lọc ảo (như dự kiến ban đầu, thời điểm điều chỉnh nguyện vọng (NV) của thí sinh thi đợt 1 sẽ lùi xuống 6 ngày) để kết hợp với điều chỉnh NV của thí sinh thi đợt 2.
Quy trình lọc ảo để xét tuyển chỉ áp dụng cho các trường sử dụng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Do đó, thí sinh đã trúng tuyển bằng các phương thức khác (điểm học bạ THPT, tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, điểm thi đánh giá năng lực…) phải xác nhận nhập học bằng cách nộp bản chính giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT năm 2020, giấy chứng nhận kết quả điểm thi. Khi chạy phần mềm lọc ảo, thí sinh sẽ được xác định trúng tuyển ở NV cao nhất. Ví dụ, thí sinh A đăng ký 10 NV ở 10 trường khác nhau và đều trúng tuyển, thí sinh A chỉ được xác định trúng tuyển ở NV1 vào 1 trường. 9 NV còn lại ở 9 trường khác sẽ bị loại để giảm thí sinh trúng tuyển ảo.
Theo Vụ GD&ĐT, bộ đã chủ động chỉ đạo trường dành lại chỉ tiêu cho thí sinh thi đợt 2 (27 địa phương với hơn 26.000 thí sinh). Tuy nhiên, việc xác định chỉ tiêu cho thí sinh trên rất phức tạp đối với các trường (cụ thể là dành chỉ tiêu với từng ngành, từng tổ hợp của từng trường). Nếu lùi thời gian điều chỉnh NV và xét tuyển thì quy trình tổ chức điều chỉnh NV và tổ chức xét tuyển sẽ giữ nguyên như năm 2019, đảm bảo tính ổn định, khách quan và công bằng cho thí sinh toàn quốc, giảm áp lực cho các trường. Mặt khác, theo quy chế tuyển sinh, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT thì các thí sinh được điều chỉnh NV. Như vậy, việc tổ chức điều chỉnh NV chung cho cả 2 đợt thi sẽ cho phép thí sinh đợt 2 được cùng tham gia điều chỉnh NV với thí sinh thi đợt 1.
Do đó, việc tổ chức điều chỉnh NV chung cho cả 2 đợt thi cũng sẽ khắc phục tình trạng: do quy chế đã quy định điểm trúng tuyển lần 2 không được thấp hơn lần 1. Nếu thí sinh lần 2 đã biết điểm, có thể tập trung điều chỉnh NV để đăng ký vào ngành đó, gây áp lực lên trường về chỉ tiêu và có thể không đảm bảo sự công bằng với thí sinh thi đợt 1. Giải pháp này cũng sẽ góp phần giữ ổn định toàn hệ thống, giúp các cơ sở đào tạo chủ động xác định được nguồn tuyển (số lượng NV đăng ký xét tuyển) để lựa chọn được phương án tuyển sinh phù hợp, đảm bảo thực hiện được ngay toàn bộ chỉ tiêu tuyển sinh do nhà trường đã xác định và công bố công khai trong đề án tuyển sinh của trường.
Bộ GD&ĐT hỗ trợ
Với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020, việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn xét tuyển), các trường công bố công khai trước ngày 18.9. Riêng điểm sàn nhóm ngành sức khỏe và sư phạm, Bộ GD&ĐT sẽ công bố để các trường làm căn cứ xét tuyển và cập nhật vào hệ thống phần mềm xét tuyển để tiến hành lọc ảo khi xét tuyển. Từ ngày 11 đến 13.9, Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT sẽ mở để thí sinh, điểm thu nhận hồ sơ thực hiện thử nghiệm (điều chỉnh thử) việc điều chỉnh NV. Sau đó, việc điều chỉnh chính thức sẽ thực hiện từ ngày 19.9.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, năm 2020, Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho các trường về thông tin tuyển sinh trên Cổng thông tin tuyển sinh, thống kê NV của thí sinh, phần mềm xét tuyển (các trường phải cập nhật đúng phiên bản phần mềm xét tuyển), lọc ảo để giúp các trường thực hiện tuyển sinh thuận lợi. Tuy nhiên, các trường cần lưu ý, phần mềm lọc ảo chỉ làm nhiệm vụ lọc bỏ thí sinh đã trúng tuyển ở NV cao nhất vào trường khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà các trường gửi lên hệ thống của bộ. Việc xác định điểm chuẩn, chỉ tiêu của phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do các trường thực hiện.
Quá trình sử dụng phần mềm để xét tuyển và lọc ảo các trường (các trường trong 2 nhóm lọc ảo và không tham gia 2 nhóm lọc ảo) phải chủ động tương tác với phần mềm theo lịch chung của Bộ GD&ĐT. Danh sách thí sinh trúng tuyển sau khi lọc ảo lần cuối (ngày 4.10) các trường tuyệt đối không được quyền điều chỉnh. “Thời hạn tuyển sinh năm nay kéo dài đến tháng 2.2021 và các trường hoàn toàn tự chủ trong tuyển sinh. Do đó, nếu trường nào tuyển vượt chỉ tiêu, vượt quá năng lực đào tạo thì Bộ GD&ĐTsẽ xử lý theo Điều 29 của Quy chế tuyển sinh hiện hành”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.
TS Dương Tôn Thái Dương, Phó Trưởng ban Đại học (ĐH Quốc gia TPHCM), Tổ trưởng tổ kỹ thuật nhóm lọc ảo phía Nam, cho biết: “Từ ngày 15 đến 17.9, có 6 lần lọc ảo toàn quốc. Riêng nhóm lọc ảo phía Nam sẽ có 90 trường (từ Quảng Bình trở vào) tiến hành 10 lần lọc ảo. Để đảm bảo cho công tác lọc ảo được thuận lợi, không chỉ các trường trong nhóm lọc ảo, mà các trường khác phải tuân thủ cập nhật toàn bộ danh sách thí sinh trúng tuyển và đã xác nhận nhập học ở các phương thức khác (xét học bạ, tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, thi đánh giá năng lực) lên hệ thống. Riêng thí sinh thi đợt 2 trúng tuyển các phương thức khác, Bộ GD&ĐT và các trường cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để không bị ảnh hưởng khi xác nhận nhập học.
Theo THANH HÙNG (SGGP)