Bị cáo Lê Đình Chức chắp tay, cúi đầu xin lỗi gia đình bị hại
Bị cáo buộc về hành vi “Giết người”, bị cáo Lê Đình Chức trước đó bị đề nghị xử tử hình. Trước bục khai báo, bị cáo cúi đầu, chắp tay xin các gia đình bị hại tha thứ.
Sáng ngày 10.9, tiếp tục ngày thứ 4 phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội; các luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại trình bày quan điểm.
Bị cáo Lê Đình Chức mong gia đình các bị hại tha thứ
Sự hy sinh anh dũng của 3 chiến sĩ công an
Nhóm luật sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các gia đình bị hại gồm Nguyễn Hồng Bách, Nguyễn Thị Phương Anh không đồng tình với nhiều nội dung mà các luật sư đồng nghiệp bào chữa cho các bị cáo tại tòa.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách, nhiệm vụ của ông bảo vệ quyền lợi cho các bị hại nhưng không đồng nghĩa buộc tội các bị cáo, mà chỉ làm rõ sự thật khách quan, để HĐXX có phán quyết đúng người, đúng tội, đúng hành vi mà các bị cáo gây ra cho các bị hại.
Luật sư Bách đề cập tới 5 luận điểm mà các đồng nghiệp của mình đã bào chữa trước đó. Luật sư Bách cũng đã vắn tắt lại việc “Tổ Đồng thuận” đã mượn danh nghĩa để gây rối, chiếm đất, tạo ra nhiều vụ việc mất an ninh trật tự tại địa phương. Các hành vi đã được Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội (VKS) nêu rõ trong phần luận tội. Trước tình hình như vậy, lực lượng công an có kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, do đó 3 chiến sĩ công an hy sinh không phải là “tình cờ” đến Đồng Tâm để thực hiện nhiệm vụ. Luật sư cũng cho rằng, việc VKS đề nghị thay hành vi phạm tội cho 19 bị cáo ngày hôm qua đã thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật; nhưng các hành vi của bị cáo cần phải được xem xét chịu một phán quyết của tòa án.
Luật sư Bách bày tỏ quan điểm về “tuyên bố” của Lê Đình Công sẽ giết 300-500 người, đây như một hành động đè lên luật pháp, ngạo mạng. Hành vi của các bị cáo rõ ràng phải tước đoạt bằng được mạng sống của các chiến sĩ.
Trong phần trình bày của mình, luật sư Bách bày tỏ không đồng tình với một số luật sư đồng nghiệp khi đề nghị tòa cho công bố kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn, an ninh địa phương tại Đồng Tâm của lực lượng chức năng. “Đề nghị này là không ổn, luật pháp quy định rất rõ, không có quyền tiếp cận kế hoạch, hành động của lực lượng chức năng; Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, Nghị định số 33 hướng dẫn Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, Thông tư số 33 của Bộ Công an, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Nghị định số 26 quy định chi tiết Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Quyết định số 13/2010 quy định danh mục bí mật Nhà nước”, luật sư Bách nêu.
Luật sư Bách cũng không đồng tình việc các luật sư của một số bị cáo bào chữa cho rằng, các chiến sĩ vào Đồng Tâm có vượt quá chức năng, nhiệm vụ công vụ của họ hay không. Luật sư Bách dẫn chứng một số quy định cho thấy các chiến sĩ đã thực thi công vụ theo đúng kế hoạch của cấp trên.
“Sau khi hy sinh, Đảng, Nhà nước đã xem xét thành tích của các chiến sĩ, đã thăng quân hàm vượt cấp cho các chiến sĩ, nếu là một tội phạm họ có được ghi công hay không? Họ không phải là tội phạm, họ là chiến sĩ đã lập chiến công xuất sắc trong việc góp phần bảo vệ an ninh trật tự, họ được công nhận là liệt sĩ và được Tổ quốc ghi công”, Luật sư Bách khẳng định và nói thêm rằng, việc đề nghị dựng lại hiện trường vụ việc và nghi ngờ về nguyên nhân cái chết của 3 chiến sĩ là không thỏa đáng. “Chúng ta có thể dựng lại hiện trường một vụ giết người tàn bạo như thế, ai là người dám xuống hố để cho người khác đổ xăng, thậm chí thay thế bằng những vật khác cũng không được phép làm như thế. Không phải bất cứ trường họp nào cũng dựng lại được hiện trường, như thế sẽ gợi lại nỗi đau cho thân nhân các gia đình”, luật sư nói.
Với vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, luật sư Bách nói không đồng tình với việc trả lại hồ sơ vụ án, bởi như thế là kéo dài nỗi đau của các gia đình bị hại. Luật sư nói, thực tế, hồ sơ vụ án đã có những đối chất, đã có những bút lục rõ ràng. Nếu trả lại hồ sơ, vụ án chưa thể khép lại, bắt đầu từ cơ quan điều tra sẽ điều tra nguyên trạng tội danh “Giết người” với 25 bị cáo. Trong khi đó, VKS đã đề nghị chuyển hành vi phạm tội nhẹ hơn đối với 19 bị cáo ngày hôm qua, luật sư tin rằng đó là điều mong muốn của các bị cáo. “Trả hồ sơ có thể 19 bị cáo được đề nghị chuyển hành vi phạm tội sẽ phải ngồi tù lâu hơn, tính nhân đạo từ đó không còn, và như vậy mâu thuẫn với chính luật sư khác đã đề nghị xem xét giảm nhẹ với một số bị cáo khác”, luật sư Bách lập luận.
Bị cáo cúi đầu xin lỗi gia đình 3 chiến sĩ
Sau phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại, chủ tọa hỏi có bị cáo nào có ý kiến hay không? Bị cáo Lê Đình Doanh giơ tay xin được nói, trước bục khai báo, bị cáo nói lời xin lỗi với 3 gia đình bị hại. Doanh nói rằng, giờ này dù bị cáo có bị hình phạt nghiêm khắc như thế nào cũng không làm nguôi ngoai nỗi đau mà các gia đình 3 chiến sĩ phải chịu. Bị cáo chỉ mong HĐXX xem xét tạo điều kiện cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng, bị cáo sớm được trở về với gia đình, sống cuộc đời còn lại có ích.
Bị cáo buộc về hành vi “Giết người”, bị cáo Lê Đình Chức trước đó bị đề nghị xử tử hình. Trước bục khai báo, bị cáo cúi đầu, chắp tay xin các gia đình bị hại tha thứ. Bị cáo nói, trong suốt thời gian phiên tòa diễn ra, bị cáo đã thành khẩn khai báo, không quanh co; bị cáo khẳng định mình không đẩy chậu xăng xuống hố để làm chết 3 chiến sĩ. Trong khi bị cáo Chức nói lời xin lỗi, phía dưới, người thân 3 chiến sĩ không cầm được nước mắt.
Chủ tọa Trương Việt Toàn sau đó đề nghị được chuyển sang phần đối đáp giữa đại diện cơ quan công tố và các luật sư. VKS ghi nhận sự thành khẩn của các bị cáo trong lời khai của mình, đặc biệt VKS đồng quan điểm với một số luật sư phê phán hành vi phạm tội của các bị cáo. Quan điểm của VKS cho thấy, các bị cáo bị truy tố như cáo trạng là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, VKS đề nghị rút một phần truy tố (thể hiện bằng việc đề nghị chuyển hành vi phạm tội đối với 19 bị cáo) là đã vận dụng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Theo ĐỖ TRUNG(SGGP)