Thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn:
Dịch vụ trung gian đi cùng chuỗi bán lẻ
Nếu ở các khoản thu chi liên quan ngân sách, thanh toán trong dịch vụ công, các ngân hàng thương mại tiếp cận và triển khai nhanh chóng việc thanh toán không dùng tiền mặt, thì khu vực tự do ở nông thôn, các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian lại năng động hơn và sớm giành quyền chi phối.
Sẽ dễ thấy ưu thế của dịch vụ thanh toán trung gian không dùng tiền mặt (TTKDTM) khi theo dõi các chuỗi bán lẻ. Khi cửa hàng của các chuỗi bán lẻ nổi tiếng như: Thế giới di động, FPT shop, Viễn Thông A tiến dần về khu vực nông thôn, cùng với đó các dịch vụ TTKDTM cũng song hành. Có thể kể tới những cái tên quen thuộc như ViettelPay (Tập đoàn Viễn thông Quân đội-Viettel), ví điện tử Momo (Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến Di động M_Serive), ví điện tử Payoo (Công ty CP Dịch vụ Cộng đồng Việt),...
Với sự phát triển của các cửa hàng bán lẻ điện máy, người dân ở khu vực nông thôn dần tiếp cận với thanh toán không tiền mặt.
- Trong ảnh: Khách hàng thanh toán với máy POS/ATM tại cửa hàng Điện máy xanh ở huyện Tuy Phước.
Vào năm 2015, nhằm khuyến khích TTKDTM khu vực nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp nhận thí điểm 3 mô hình trên toàn quốc: Dịch vụ chuyển tiền nhanh của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới các chi nhánh, cửa hàng xăng dầu của Petrolimex tại khu vực nông thôn; dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam trên cơ sở hợp tác sử dụng các điểm viễn thông của Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến M_Serivce (công ty quản lý Ví điện tử Momo); dịch vụ chuyển tiền của Ngân hàng TMCP Quân đội trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới của Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo.
Thời điểm này, Momo triển khai 2 đại lý ở Bình Định, song kết quả rất hạn chế. Qua khảo sát thực tế, phân tích thị trường, DN này phát triển chiến lược TTKDTM qua ví Momo bám sát các chuỗi bán lẻ cùng tiến về vùng nông thôn. Ông Thái Trí Hùng, Giám đốc công nghệ ví điện tử Momo, phân tích: Ứng dụng thanh toán Momo tập trung “đánh” theo chuỗi bán lẻ lớn, do đơn vị triển khai trực tiếp từ công ty mẹ xuống tới các điểm bán lẻ. Momo chọn liên kết với các chuỗi bán lẻ lớn như siêu thị Co.opmart, KFC, Lotteria, cửa hàng điện máy… xuất phát từ yếu tố các đơn vị này đáp ứng đầy đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật công nghệ; nhân lực đã được đào tạo để sử dụng hiệu quả, từ đó có thể tư vấn cho khách hàng tốt hơn. Ở địa bàn nông thôn, phân khúc khách hàng của các chuỗi bán lẻ đều là nhóm khách hàng trẻ, thói quen và khả năng tiếp nhận thay đổi của công nghệ nhanh chóng, dễ làm quen với thanh toán hiện đại hơn. Hiện, Momo đã hợp tác với hệ thống xăng dầu Petrolimex trong TTKDTM, vài tuần tới đây các cửa hàng thuộc hệ thống Petrolimex Bình Định sẽ chấp nhận thanh toán qua Momo.
Cũng trong chiến lược đó, ViettelPay ngày càng phủ sóng rộng hơn ở vùng nông thôn, vùng núi và hải đảo. Với hơn 1.000 điểm cung cấp dịch vụ của chính Viettel, ứng dụng thanh toán Viettelpay phát triển theo. Theo ông Đỗ Đăng Trình, Giám đốc kênh Viettelpay Bình Định, đơn vị đang xúc tiến làm việc với các địa phương trong việc TTKDTM trong dịch vụ công khu vực nông thôn. Cùng với đó, các điểm bán hàng của Viettel ở khu vực này là nơi người dân có thể làm quen, tiếp xúc với các tiện ích, dịch vụ thanh toán hiện đại. “Hiện chúng tôi đang tiếp cận và tư vấn cho nhóm khách hàng là các ngư dân, trong đó trước mắt là phát triển ở các xã biển thuộc TX Hoài Nhơn”, ông Trình cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm, phụ trách marketing của Payoo, tại tỉnh Bình Định hiện đơn vị có hơn 60 điểm chấp nhận thanh toán với Payoo; triển khai theo các điểm kinh doanh dịch vụ viễn thông, điện máy - điện lạnh trải dọc các địa phương như: Tuy Phước, An Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, An Lão. Payoo đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn cho khách hàng, dó là lý do nhãn hiệu này đầu tư rất lớn cho khâu bảo mật, an ninh thông tin. Hiện Payoo đã được chứng nhận hợp chuẩn an toàn bảo mật ISO 27001:2013 cho hệ thống quản lý an ninh thông tin (ISMS), được cấp chứng chỉ bảo mật quốc tế PCI-DSS - đảm bảo tuyệt đối thông tin riêng tư của người dùng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Định, đến nay trên địa bàn tỉnh có 220 máy ATM, 935 máy POS/ATM, 738 đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ. Trong đó, khu vực nông thôn lắp đặt được 16 máy ATM, số giao dịch năm 2019 tăng so với năm 2018. Trong việc hình thành thói quen mới, phải kể đến các dịch vụ TTKDTM xuất hiện tăng dần ở địa bàn nông thôn, từng bước đưa các dịch vụ thanh toán hiện đại tới gần với người dân.
THU DỊU