Giữ bền vang tiếng trống kơ-toang
Với kơ-toang, người ta không chỉ đánh trống, chơi trống mà còn múa trống, đấu trống. Ðây là loại nhạc cụ truyền thống của người dân tộc Chăm H’roi ở huyện Vân Canh. Tuy nhiên, loại nhạc cụ này đang có nguy cơ mai một.
Đi cùng chị Chăm Soi Hơ Muốch, cán bộ văn hóa - xã hội UBND thị trấn Vân Canh, tôi đến nhà ông Lê Văn Ru, người đàn ông lớn tuổi còn giữ được đam mê với tiếng trống kơ-toang.
Trong ngôi nhà cấp 4 nằm ở khu phố Hiệp Hội (thị trấn Vân Canh), ông Ru cho biết đã học cách đánh trống kơ-toang lúc 18 tuổi. Ban đầu, ông học lỏm từ già làng, các nghệ nhân thông qua các buổi tập văn nghệ, hội diễn, hội thi trống kơ-toang của làng, thị trấn. Thấy tiếng trống kơ-toang có nhiều điểm hấp dẫn, thú vị, nên sau đó, ông đến tận nhà già làng nhờ chỉ dẫn và chơi trống thành thạo cho đến nay.
Người Chăm H’roi biểu diễn trống kơ-toang ở hội làng.
Theo ông Ru, trống kơ-toang còn hay gọi là trống giao duyên, trống gọi bạn, trống đối thoại… Người Chăm H’roi thường dùng kơ-toang hòa âm với chiêng ba. Thú vị nhất là hình thức song tấu, tức đánh theo lối đối đáp. Khi ấy, cả nhạc cụ và người chơi sẽ cùng toát lên cái phóng khoáng, ngẫu hứng, mạnh mẽ. Hai người chơi đứng đối nhau, vừa nhún nhẩy, hai tay vỗ liên hồi vào hai mặt trống “nói chuyện”. Tiếng trống nhẹ nhàng, khoan thai khi đôi bên yêu mến nhau. Nhưng khi giận dữ, nhịp trống giật cục, tiếng vỗ lạch bạch tỏ rõ thái độ với đối phương. Người Chăm H’roi trò chuyện, cãi vã, hòa giải hay bày tỏ lời yêu cũng bằng tiếng trống kơ-toang vì lẽ đó.
Ông Lê Văn Ru chia sẻ thêm: “Các thế hệ ông, bà hoặc cha, mẹ của tôi trước đây có tác hợp được với nhau cũng nhờ tiếng trống kơ-toang se duyên. Nét văn hóa đặc sắc, giàu cảm hứng từ tiếng trống kơ-toang là thế, nhưng ngặt nỗi, các thế hệ trẻ hiện nay lại đam mê nhạc rock hơn”.
Vì lo nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình mai một, nên ông Ru đã thuyết phục và dạy trống cho con trai mình, anh Lê Văn Tây (43 tuổi). Đến nay, anh Tây đã chơi thành thạo loại nhạc cụ này và là người trẻ hiếm hoi của khu phố Hiệp Hội giữ được nhịp trống kơ-toang.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, 54 tuổi, ở khu phố Hiệp Hà (thị trấn Vân Canh) được xem là phụ nữ đầu tiên biết chơi nhạc cụ này. Tuy nhiên, hiện nay, bà rất trăn trở khi nhạc cụ truyền thống của người Chăm H’roi đang dần mai một. Bà Hương cho rằng, thanh thiếu niên bây giờ ít quan tâm, chịu khó để chơi nhạc cụ này, phần vì loại nhạc cụ này khó học, phần vì phải đánh trống trực tiếp bằng tay (không dùng dùi) nên khá đau tay, mất sức.
Phần nữa theo tìm hiểu của phóng viên, nghệ thuật trình diễn trống kơ-toang chưa được chính quyền địa phương và ngành Văn hóa của huyện quan tâm đúng mực. Như lời ông Ru chia sẻ, ngay cả một điều đơn giản nhất là cặp trống kơ-toang của khu phố có khi bị hỏng mà vẫn không có kinh phí để sửa. Tiếc bộ trống quý, mới đây, ông Ru tự bỏ tiền túi 1,6 triệu đồng để sửa. Ngoài ra, các lớp đào tạo, hướng dẫn cách chơi trống kơ-toang cho các thế hệ trẻ người Chăm H’roi lâu nay không được tổ chức. Hiện nay, việc truyền nghề chỉ diễn ra trong gia đình, theo kiểu cha, mẹ truyền, con theo học.
Chị Chăm Soi Hơ Muốch cho biết, số nghệ nhân chơi thạo trống kơ-toang hiện rất ít. Ở thị trấn hiện còn các ông, bà: Lê Văn Ru, Lê Văn Tây (khu phố Hiệp Hội), Nguyễn Văn Anh (khu phố Canh Tân), Đinh Thị Mãnh (khu phố Tân Thuận), bà Nguyễn Thị Ngọc Hương (khu phố Hiệp Hà), Đinh Văn Bằng (làng Canh Tiến, xã Canh Liên), Thanh Văn Oải (làng Canh Thành, xã Canh Hòa)…
Để bảo tồn, lưu giữ tiếng trống kơ-toang, chị Muốch mong muốn chính quyền địa phương, ngành Văn hóa tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí sửa chữa trống hoặc mua các đôi trống mới thay thế cho các nhạc cụ đã cũ, hư hỏng. Đồng thời, cơ quan chức năng quan tâm mở các lớp đào tạo, truyền dạy cách đánh trống kơ-toang cho thế hệ trẻ có niềm đam mê, nhằm giữ gìn nét văn hóa truyền thống này.
Trước những trăn trở của nghệ nhân, ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết: Huyện sẽ có chủ trương khuyến khích phát triển công tác truyền dạy loại nhạc cụ trống kơ-toang truyền thống trong cộng đồng người Chăm H’roi. Có chính sách hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn cho lớp trẻ thông qua các khóa học chơi trống; bình xét và đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận nghệ nhân trống kơ-toang cho những người có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ và phát triển loại nhạc cụ độc đáo này.
AN NHIÊN