Hai tượng Ganesa độc đáo
Văn hóa Champa chịu ảnh hưởng đậm nét văn hóa Ấn Độ, nên không có gì lạ khi trong nghệ thuật tạo hình Champa, hình tượng voi - một biểu tượng thiêng trong Ấn Độ giáo - được sử dụng khá phổ biến, đặc biệt là trong hệ thống đền tháp Champa thời kỳ Vijaya tại Bình Định.
Ở một dạng tạo hình khác - đầu voi mình người - voi có tên là “Ganesa”. Ganesa là một vị thần toàn năng, là thần tùy hành của thần Shiva trên núi Kailasa, do nữ thần Parvatti - vợ của Shiva - tạo ra. Do có sự cố nên thần bị rụng mất đầu, thần Vishnu thương hại Ganesa bèn chắp cho một cái đầu voi, cho nên thần được thể hiện mình người đầu voi. Thần Ganesa là phúc thần, có nhiều tài năng, dập tắt mọi trở ngại khó khăn, có quyền ban mọi điều tốt lành, bảo vệ bếp lửa, thần là hiện thân của thông minh và trí tuệ.
Trên địa bàn Bình Định hiện nay có hai tượng Ganesa bằng đá đang lưu giữ tại các ngôi chùa của người Việt khá độc đáo. Một tượng tại chùa Linh Tượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn (ảnh trái); tượng còn lại lưu giữ tại chùa Dương Lăng, xã Nhơn An, TX An Nhơn (ảnh phải). Có lẽ vì thấm đậm ý nghĩa tôn giáo của vị thần này, hoặc do sự tiếp biến và hòa hợp giữa hai nền văn hóa Việt - Chăm mà những tượng Ganesa khi được phát hiện thường được rước vào và phối thờ tại các ngôi chùa của người Việt.
Tương truyền hàng trăm năm trước, người dân phát hiện được tượng Ganesa trong tư thế ngồi dưới sông Gò Chàm, một nhánh sông nhỏ chạy qua trước chùa Dương Lăng. Xem đó là một điềm lành, thầy trụ trì chùa cùng người dân rước tượng vào thờ trong chùa. Với kỹ thuật chế tác dưới dạng tượng tròn, các đường nét chạm khắc căng tròn, khỏe khắn và kiểu mũ miện hình chóp, là những nét khá đặc trưng của điêu khắc Champa thuộc phong cách Tháp Mẫm Bình Định, do đó có thể đoán định niên đại của tượng Ganesa này là khoảng thế kỷ XIII.
Tương tự, cho là điềm lành, khi phát hiện tượng Ganesa, người dân Bình Nghi cũng rước vào thờ ở chùa và đặt tên ngôi chùa là Linh Tượng (ông voi thiêng). Hiện nay, tượng được phối thờ ở hậu điện của chùa. Tượng này có kích thước khá lớn, cao 0,8 m; ngang vai 0,46 m. Tượng cũng thể hiện dưới dạng đầu voi mình người và cũng trong tư thế ngồi xếp bằng, hai bàn chân bắt chéo như tượng Ganesa ở chùa Dương Lăng. Tuy nhiên cách thể hiện vẫn có nhiều nét khác biệt như: Đầu to tròn, trán nở, mắt nhỏ dài, mi hai lớp, vòi to vươn về phía trước hơi uốn cong không bắt chéo như Ganesa ở chùa Dương Lăng. Ngực nở, bụng hơi phình to nhưng không quá bệ vệ như Ganesa chùa Dương Lăng. Lưng tượng thẳng, hai bàn tay nắm lại vuông góc với đùi. Tay nắm hai vật tương tự hai chiếc chùy nhọn. Đầu đội mũ miện rộng vành. Dựa vào loại hình và các đặc trưng cơ bản có thể nhận định tượng Ganesa này cũng thuộc phong cách Tháp Mẫm Bình Định, thế kỷ XIII - XIV.
Cho đến nay, đây được xem là hai tượng Ganesa độc đáo và nguyên vẹn nhất còn lưu giữ tại Bình Định mang đặc trưng của phong cách Tháp Mẫm - phong cách nghệ thuật điêu khắc nổi tiếng Champa đã được giới nghiên cứu khảo cổ học thừa nhận.
NGUYỄN VIẾT TUẤN