Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, bản đồ địa chính
Trước tình trạng tiến độ xây dựng hồ sơ, bản đồ địa chính quá chậm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tỏ ra sốt ruột, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện, mục tiêu phải hoàn thành muộn nhất trước ngày 31.12.2021.
Đó là một trong những vấn đề trọng tâm được bàn bạc, thảo luận tại hội nghị trực tuyến giao ban công tác triển khai thực hiện Dự án Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính (Dự án 513) và thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 8.9.
Hiệp thương, thống nhất địa giới hành chính
Theo thông tin từ Sở Nội vụ, thời gian qua, công tác theo dõi, quản lý, đôn đốc đơn vị thi công thực hiện các hạng mục Dự án 513 trên địa bàn tỉnh được quan tâm đúng mức. Tỉnh Bình Định có 457 tuyến địa giới hành chính (ĐGHC) cấp xã. Trong đó có 41 tuyến ĐGHC cấp xã trùng lên tuyến cấp tỉnh và 129 tuyến ĐGHC cấp xã trùng lên tuyến cấp huyện nội tỉnh.
Các cơ quan chức năng đi khảo sát thực địa để hiệp thương ranh giới hành chính Vĩnh Thạnh - Hoài Ân tại xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh). Ảnh: HUỲNH NGỌC KHUYẾN
Trong các tuyến ĐGHC cấp xã của tỉnh, hầu hết đều ổn định, phù hợp với hiện trạng quản lý và bản đồ, hồ sơ ĐGHC được lập theo Chỉ thị số 364 ngày 6.11.1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã. Tuy nhiên, có một số khu vực có bất cập về ĐGHC các cấp do quá trình phát triển KT-XH, vận động của địa chất tự nhiên, lũ lụt hoặc do có sự không thống nhất giữa hồ sơ, bản đồ ĐGHC lập theo Chỉ thị số 364 và thực tế quản lý. Các tuyến địa giới này đã được chính quyền địa phương phối hợp với đơn vị thi công Dự án 513, Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan tổ chức xác minh thực địa, hiệp thương thống nhất lại theo các nguyên tắc phân định đường ĐGHC.
Kết quả, có 215 tuyến ổn định, rõ ràng không thay đổi. Có 94 tuyến xác định theo các nghị định, nghị quyết của Chính phủ về điều chỉnh ĐGHC, thành lập đơn vị hành chính. Có 137 tuyến đã thống nhất chỉnh lý sau khi đi khảo sát thực địa. Tuy nhiên, vẫn còn 11 tuyến đã tổ chức hiệp thương sau khi khảo sát thực địa nhưng các bên liên quan vẫn chưa thống nhất.
Bên cạnh đó, về công tác phân định ranh giới quản lý hành chính biển, đảo, đã có 26/27 tuyến ranh giới hành chính cấp xã được các xã, phường thống nhất; 4/5 tuyến ranh giới hành chính cấp huyện đã được các huyện thống nhất. Tuyến ranh giới hành chính giữa Bình Định và Quảng Ngãi đã thống nhất; nhưng tuyến giữa Bình Định và Phú Yên (cụ thể là ranh giới hành chính giữa xã Nhơn Châu thuộc TP Quy Nhơn và xã Xuân Hòa thuộc TX Sông Cầu) chưa được các địa phương thống nhất.
Cần quyết tâm chính trị cao nhất
Một trong những thông tin đáng chú ý tại Hội nghị do Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa cung cấp là đến thời điểm này, cả nước mới có 13 tỉnh, thành phố được Bộ TN&MT kiểm tra, nghiệm thu kỹ thuật hồ sơ, bản đồ ĐGHC và được Bộ Nội vụ thẩm định, quyết định công nhận sản phẩm. Bình Định nằm trong nhóm 26 địa phương chưa được kiểm tra, nghiệm thu kỹ thuật do địa phương chưa hoàn thành việc lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hải Giang, một trong những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện Dự án 513 trên địa bàn tỉnh thời gian qua là tiến độ triển khai chưa bảo đảm theo kế hoạch, việc bố trí kinh phí thực hiện Dự án chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, tổng dự toán thực hiện Dự án là hơn 21,19 tỷ đồng. Kinh phí đã được cấp để thanh toán các hạng mục của Dự án đến năm 2020 là 14,09 tỷ đồng; trong đó Trung ương cấp 3,9 tỷ đồng, ngân sách tỉnh cấp 10,19 tỷ đồng. Kinh phí còn thiếu năm 2020 để hoàn thành Dự án đề nghị Trung ương cấp là 7,1 tỷ đồng.
Khó khăn về kinh phí là nguyên nhân chính được lãnh đạo các địa phương chỉ rõ làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Dự án 513. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay, tới đây liên bộ Nội vụ, TN&MT và Tài chính sẽ tổ chức cuộc họp để bàn bạc, tìm hướng tháo gỡ vấn đề này.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, việc thực hiện Dự án 513 gặp nhiều khó khăn, lộ trình Thủ tướng Chính phủ đặt ra là từ năm 2012 - 2016 phải kết thúc, nhưng các địa phương không thực hiện được và phải tiếp tục gia hạn đến năm 2020. Tuy nhiên, đến nay mới hoàn thành ở 13/63 tỉnh, thành phố.
“Tiến độ quá chậm, lượng tồn đọng quá lớn. Chúng tôi sẽ bàn bạc, tính toán, trên cơ sở đó thống nhất đề nghị Chính phủ gia hạn thêm thời gian thực hiện, bởi chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm 2020, không thể giải quyết xong đối với 50 tỉnh, thành còn lại. Song, công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Dự án 513 phải được quan tâm, thực hiện quyết liệt với quyết tâm chính trị cao nhất. Qua đó, đảm bảo các nhiệm vụ còn lại của Dự án hoàn thành chậm nhất là ngày 31.12.2021”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG