Rừng trồng quá tuổi nhưng không thể khai thác
Nhiều người dân ở các xã Cát Trinh, Cát Tường, Cát Hanh, Cát Tài (huyện Phù Cát) nhận khoán gây trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng theo chương trình 327 và dự án 661 đã hàng chục năm; cây keo lá tràm đã vượt tuổi khai thác nhưng không thể khai thác. Nghịch lý này khiến cả người nhận khoán và đơn vị giao khoán bị thiệt thòi.
Trong các năm từ 1994 - 1998, nhiều người dân ở xã Cát Trinh, Cát Hanh, Cát Tài hợp đồng với Lâm trường Phù Cát (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ - BQLRPH- huyện Phù Cát) nhận khoán gây trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng theo chương trình 327 (chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc). Thời điểm đó, rừng được trồng hỗn giao gồm cây keo lá tràm, điều và muồng; trong đó, cây keo lá tràm là chủ yếu.
Nhiều diện tích rừng trồng chương trình 327 và dự án 661 tại huyện Phù Cát đã đến tuổi nhưng không thể khai thác.
Tiếp đó, từ năm 2007 - 2010, người dân xã Cát Trinh, Cát Tường hợp đồng với BQLRPH huyện Phù Cát nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng theo dự án 661 (dự án trồng mới 5 triệu héc-ta rừng, kế thừa từ chương trình 327). Rừng được trồng chủ yếu là cây keo lá tràm, ngoài ra còn có cây sao đen.
Theo hợp đồng, ngoài việc được thanh toán tiền công theo quy định, người nhận khoán còn được hưởng lợi sản phẩm tỉa thưa sau khi rừng trồng đã khép tán. Tuy nhiên, đến nay cây keo lá tràm đã hơn 20 năm tuổi (đối với chương trình 327) nhưng người nhận khoán và cả chủ rừng- BQLRPH huyện Phù Cát - không thể tiến hành khai thác để được hưởng lợi. Thực trạng này khiến người nhận khoán bị thiệt thòi, gặp nhiều khó khăn; ngoài ra, do đã quá tuổi sinh trưởng nên không ít cây keo lá tràm bị… chết khô.
Theo thống kê của BQLRPH huyện Phù Cát, trên địa bàn huyện có 86,1 ha rừng trồng theo chương trình 327. Trong đó, xã Cát Tài 30,6 ha, xã Cát Hanh 20,4 ha, xã Cát Trinh 35,1 ha. Đa số rừng có mật độ trồng thấp (1.000 cây/ha), chỉ riêng tại xã Cát Trinh (khu vực rừng đầu nguồn hồ Suối Chay) có mật độ 2.500 cây/ha. Đối với rừng trồng theo dự án 661, có 182,5 ha, trong đó xã Cát Tường 132,4 ha và xã Cát Trinh 50,1 ha. Mật độ rừng trồng 1.600 cây/ha, đến nay cây keo lá tràm đã đạt chuẩn khai thác.
Ông Huỳnh Thu Công, Giám đốc BQLRPH huyện Phù Cát, cho biết: Trước kia, tỷ lệ phần trăm hưởng lợi từ sản phẩm rừng của người nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng chương trình 327 và dự án 661 được thực hiện theo Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg. Nhưng nay, việc hưởng lợi của người nhận khoán được thực hiện theo Luật Lâm nghiệp 2017. Do còn lấn cấn giữa 2 quy định nên việc khai thác tỉa thưa rừng trồng bị “tắc”. Nhưng quan trọng nhất là đến nay, UBND huyện Phù Cát chưa có văn bản xin chủ trương của tỉnh khai thác tỉa thưa đối với diện tích rừng thuộc chương trình 327 và dự án 661.
Ông Công cho biết thêm, trước đây, UBND huyện Phù Cát đã xin ý kiến và được ngành chức năng của tỉnh cho chủ trương khai thác tỉa thưa rừng. Nhưng sau đó không hiểu sao UBND huyện quyết định dừng không thực hiện chủ trương. Hiện nay, BQLRPH huyện tiếp tục xây dựng phương án khai thác tỉa thưa đối với diện tích rừng dự án 661 để trình UBND huyện Phù Cát xem xét, khi nào huyện và ngành chức năng của tỉnh có chủ trương thì triển khai thực hiện. Riêng diện tích rừng chương trình 327, BQLRPH huyện tiếp tục nghiên cứu, đưa ra phương án khai thác tỉa thưa, tỷ lệ phần trăm hưởng lợi để trình ngành chức năng xem xét.
VĂN LỰC