Nhiều ý kiến ủng hộ cưỡng chế bằng hình thức cắt điện, cắt nước
Biện pháp cưỡng chế bằng hình thức cắt điện, cắt nước đối với các trường hợp xây dựng sai phép, trái phép là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm tại hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính do Ðoàn ÐBQH tỉnh tổ chức ngày 10.9.
Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Đặng Thành Trưng thẳng thắn bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước đối với các trường hợp xây dựng sai phép, trái phép.
Một trong những đổi mới đáng chú ý trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính là đề xuất bổ sung phương án “Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” đối với các trường hợp xây dựng sai phép, trái phép. Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước phải tuân thủ các nguyên tắc sau: Chỉ được thực hiện tại địa điểm vi phạm; để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường có áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động có thời hạn; việc ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước không làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý quy định về nguyên tắc xử phạt đối với trường hợp “vi phạm hành chính nhiều lần bị xử phạt về từng hành vi vi phạm” để thống nhất với quy định hành vi vi phạm hành chính nhiều lần là tình tiết tăng nặng.
Chánh Thanh tra Sở Y tế Lê Cảnh Sơn nêu trường hợp có những cơ sở khám chữa bệnh trục lợi chính sách BHYT bằng cách lập hồ sơ khống, hồ sơ sổ sách không rõ ràng, 1 bệnh nhân lập hồ sơ nhiều lần, hay không có bệnh nhân vẫn lập hồ sơ để được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. “Nếu hành vi vi phạm này lặp đi lặp lại nhiều lần trong năm thì phải xử lý nhiều lần vi phạm hay xử lý 1 hành vi?”, ông Sơn đặt vấn đề.
Về vấn đề này, bà Trần Thị Túy cũng đề nghị cần phân biệt rõ 2 cách xử lý, tránh vướng mắc trong quá trình áp dụng vào thực tiễn. Ðồng thời, tránh tình trạng cùng 1 quy định nhưng dẫn đến hậu quả pháp lý khác nhau.
Chủ tịch Hội Luật gia Đặng Thành Thái cho rằng, hợp đồng mua bán điện, nước là hợp đồng dân sự. Nếu đối tượng vi phạm không dùng điện của Nhà nước mà dùng điện của cá nhân, tổ chức khác thì Luật không điều chỉnh được. “Chưa kể, nếu thực hiện quy định này có biểu hiện vi phạm Bộ luật Dân sự, vi phạm quyền con người. “Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước không làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác”, nhưng với trường hợp ông A vi phạm, mẹ ông A ở cùng nhà thì có được tính là “cá nhân khác” hay không?”, ông Thái đặt vấn đề.
Tuy nhiên, ý kiến này không nhận được nhiều sự ủng hộ. Theo Phó Trưởng phòng xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp) Trần Thị Túy, cần lưu ý rằng, phương án ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước chỉ áp dụng đối với các trường hợp vi phạm pháp luật. Hành vi vi phạm đó ảnh hưởng đến quyền lợi của rất nhiều người khác, cản trở công tác quản lý trật tự xã hội. Đó là chưa kể, theo quy định của Bộ luật Dân sự, có những giao dịch dân sự lại được điều chỉnh theo quy định của các luật chuyên ngành.
Đồng quan điểm, Phó Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP tỉnh) Nguyễn Minh Dương cho rằng, ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước là biện pháp cần thiết để ngăn chặn các hành vi vi phạm trên lĩnh vực xây dựng cơ bản, bảo vệ môi trường. “Đặc biệt là về gây ô nhiễm môi trường, nếu không cắt điện, nước sao có thể buộc dừng ngay lập tức hành vi vi phạm?”, ông Dương nhấn mạnh.
Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Đặng Thành Trưng cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước. “Bởi, trên thực tế có nhiều trường hợp “ở lỳ gặp lành”, xây dựng sai phép, trái phép nhưng cố tình chây ỳ, không hợp tác trong quá trình xử lý, khắc phục vi phạm. Nếu không áp dụng biện pháp mạnh tay như cắt điện, nước thì không thể cưỡng chế thành công được”, ông Trưng nói.
Trước đó, tham gia thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Phi Long (Đoàn Bình Định) cũng ủng hộ biện pháp cưỡng chế bằng hình thức cắt điện, cắt nước đối với các trường hợp xây dựng sai phép, trái phép.
NGUYỄN VĂN TRANG