Khi nhà vua ăn xoài
Xưa các vua Nguyễn dâng mẹ nhân tết Ðoan Ngọ, thường sức quan trấn Bình Ðịnh mang hàng nghìn trái xoài về kinh. Trên Chương Ðỉnh - đỉnh thứ ba trong Cửu Ðỉnh, ứng với vua Thiệu Trị - có khắc hình ảnh cây xoài (yêm la). Nhưng những sản vật danh tiếng của Bình Ðịnh không chỉ có xoài.
“Cam Xã Đoài xoài Bình Định”, “Nón ngựa Gò Găng - Bún song thằn An Thái - Lụa đậu tư Nhơn Ngãi - Xoài tượng chín Hưng Long” là những câu “phong thần” của sản vật địa phương đặc sắc ngày xưa. Ngay cả riêng với xoài Bình Định xưa có cả thế giới xoài: Xoài thanh ca dài dẹp, xoài mật thon tròn, xoài cát núc ních, xoài cơm mũm mĩm, xoài tro thon dài, xoài sẻ nhỏ nhắn, xoài cà lăm nhỏ dẹp... nổi bật lên xoài tượng to tròn.
Lùi xa hơn trong lịch sử, năm ấy, vua sáng nghiệp nhà Trần là Thái Tông cho quan hầu cận ăn xoài, nhưng thiếu mất Hoàng Cự Đà. Nỗi ấm ức của họ Hoàng như hòn than âm ỉ, được dịp bùng khói khi quân Nguyên sang xâm chiếm nước ta. Thấy giặc ở bến Đông, Cự Đà vội vã trốn đi, tránh mặt thuyền hoàng thái tử. Khi Quan gia chặn hỏi: “Quân Nguyên ở đâu?”, Cự Đà trả lời “Không biết, đi mà hỏi những người ăn xoài ấy”.
Tương truyền khi nhà Tây Sơn sụp đổ, ca dao Bình Định xuất hiện câu hát có đôi chút liên quan đến Người anh hùng áo vải và quả xoài.
- Trong ảnh: Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ ở Bảo tàng Tây Sơn.
Sau khi vua và hoàng thái tử phá tan được quân giặc ở Đông Bộ Đầu, hoàng thái tử xin khép Cự Đà vào cực hình để răn đe những kẻ làm tôi bất trung. Vua nói: “Cự Đà tội đáng giết cả họ, song đời xưa có việc Dương Châm không được ăn thịt dê, đến nỗi làm quân nước Tống bị thua. Việc của Cự Đà là lỗi của ta, tha cho tội chết, cho đánh giặc chuộc tội”. Tội của Cự Đà đã rõ, hoàng thái tử nghị án chính xác. Thế nhưng kết luận của vua lại rất hợp lý hợp tình. Vẫn khẳng định Cự Đà có tội to đúng như lời hoàng thái tử nói, nhưng vua lại nhận lỗi về phần mình để rút ra một hành xử đầy ân nghĩa cho kẻ bề tôi dại dột.
Trần Thái Tông là người thông kinh sử, hiểu cơ trời vận nước. Ý vua nhắc lại cho hoàng thái tử biết, đời Xuân Thu, khi nước Trịnh sắp đánh nước Tống, Hoa Nguyên nước Tống làm thịt dê cho binh sĩ ăn, không có phần của người đánh xe là Dương Châm. Khi giáp chiến, Dương Châm nói: “Con dê hôm trước quyền ở anh, việc đánh nhau ngày nay quyền ở ta”. Bèn đánh xe chạy vào quân nước Trịnh gây ra cuộc thảm bại cho nước Tống. Xử sự như vậy, vua củng cố được uy đức cho mình, đồng thời răn hoàng thái tử về sự vi diệu trong phép dụng nhân trị quốc, lại cho Hoàng Cự Đà một con đường sống để đáp đền ơn vua lộc nước. Trong việc này, Hoàng Cự Đà nhận được bài học thấm thía đã đành mà hoàng thái tử cũng đồng thời vỡ lòng cuộc thu phục nhân tâm không kém phần sâu sắc.
Dân gian có câu: “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Sự sơ xuất nhỏ của bậc đế vương khi chia phần cho thiên hạ có thể dẫn đến hậu quả khốc liệt. Dường như phẩm cách ở phép hành xử cao cường của bậc minh quân trong lịch sử Đại Việt, qua câu chuyện hàm súc này dung chứa một trữ lượng nhân văn không phải nhỏ. Điều này cũng hết sức biện chứng khi chúng ta thấy người kế tục ông, hoàng thái tử Hoảng trong câu chuyện, sau này cũng trở thành một vị vua trung hiếu nhân thứ, tôn hiền trọng sĩ, làm cho cơ nghiệp vương triều Trần bền vững.
Một miếng xoài, từ ngọt hóa đắng, rồi từ đắng hóa ngọt. Chỉ có bàn tay người có khí lượng cao cả mới đủ sức ngăn cho miếng xoài không rỏ máu. Thật vi diệu thay.
Sau cây bồ đề, cây xoài là một biểu tượng gắn liền với Phật sự. Sinh thời, đức Phật từng mạnh dạn xóa bỏ việc phân biệt đẳng cấp khắt khe, nhận lời mời thọ thực của nàng Ambapali - một kỹ nữ sắc nước hương trời đang làm say mê bao vương tôn công tử lưu vực sông Hằng, cả vua Bimbisara (Tần-bà-sa-la) cũng đã có con với nàng. Đức Phật thuyết giảng trong vườn xoài ở vùng Vesali và chủ nhân là nàng Ambapali (sau trở thành tì-kheo ni giác ngộ tu hành thành bậc chí thánh) đã phát tâm cúng dường toàn bộ vườn xoài, từ ấy cho đến mấy nghìn năm sau trở nên một nơi được hậu thế hành hương.
Tương truyền, vùng núi sông Ô Long Thượng và Hạ ở phủ Quy Nhơn xưa là nơi trui rèn và cất giữ thanh Ô Long Đao của Long Nhương tướng quân - Bắc Bình Vương - Quang Trung hoàng đế. Ở đó, có một nàng thôn nữ từng “đầu mày cuối mắt” trong cuộc tình hàn vi dân dã của Nguyễn Huệ. Trong gian nan trả nợ non sông của người yêu, nàng vẫn hằng dõi theo trong lớp áo lam, trong ngôi cổ tự, rợp bóng cam mít và xoài. Khi nhà Tây Sơn sụp đổ, vùng này xuất hiện câu hát: “Một mai nước lớn đò trôi - Cây khô lá rụng bậu ngồi chờ ai - Bậu ngồi chờ củ chờ khoai - Chờ cam mít chín chờ xoài cà lăm!”
NGUYỄN THANH MỪNG