Hỗ trợ sinh kế giảm nghèo bền vững
Giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm, tỷ lệ giảm hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 1,83%. Tỷ lệ này đạt kế hoạch đề ra vì Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu mỗi năm giảm 1,5%, còn Nghị quyết HÐND tỉnh là giảm 1,5% - 2%. nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế đa dạng và hiệu quả đã giúp người dân từng bước thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.
Đa dạng mô hình hỗ trợ tại huyện miền núi
Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tập trung chủ yếu tại các xã trên địa bàn 3 huyện miền núi là Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão. Thay vì hỗ trợ trực tiếp, cách hỗ trợ những điều kiện để người dân phát triển sinh kế đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Những năm qua, huyện An Lão triển khai khá hiệu quả mô hình trồng dâu trên vùng đất bãi bồi ven sông An Lão. Hội Nông dân huyện cho biết, ở xã An Hòa lúc cao điểm, diện tích trồng dâu lên đến khoảng 70 ha, hiện tại đang nhân rộng mô hình ở xã An Tân với 8 ha. Một số người dân được đưa đi tham quan học tập tại vùng trồng dâu nuôi tằm lớn nhất cả nước ở TP Đà Lạt. Huyện còn mua hơn 1 tấn hom dâu giống S7-CB về cung cấp cho bà con trồng thử nghiệm, kết quả cho năng suất cao.
Mô hình trồng dâu nuôi tằm tại huyện An Lão được thực hiện trong 2 năm giúp nông dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng mô hình để có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.
Theo ông Nguyễn Văn Thẩm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Lão, ngoài mô hình dâu, huyện còn triển khai mô hình trồng keo, bưởi da xanh, cam xoàn, bơ sáp và một số loại cây trồng khác. “Các mô hình đều phù hợp với thổ nhưỡng và phong tục, tập quán của người dân địa phương. Huyện tích cực tuyên truyền người dân vay vốn, áp dụng tiến bộ KHKT, mở các lớp tập huấn, trong đó thành lập nhiều CLB tại nhiều xã để người dân hỗ trợ nhau thoát nghèo bền vững”, ông Thẩm trao đổi.
Đến nay, 3 huyện miền núi đã triển khai tổng cộng 121 mô hình khuyến nông, lâm, ngư, thu hút hàng trăm hộ nghèo tham gia. Nhiều mô hình được phát triển, nhân rộng, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo. Có thể kể đến như mô hình trồng rau an toàn (thu nhập trên 150 triệu đồng/ha), mô hình chuyển đổi cơ cấu trồng cây đậu phụng và mía (thu nhập trên 120 triệu đồng/ha), mô hình nuôi cá lồng bè trên hồ chứa nước Định Bình (thu nhập 80 triệu đồng/2 vụ/năm), mô hình dừa xiêm, gà an toàn sinh học, heo nái ngoại sinh sản…
Thoát nghèo bền vững
Theo ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh, việc triển khai các mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện tham gia, trong đó có người mới làm lần đầu, người đã làm rồi có thu nhập rồi nay tiếp tục tham gia. Mức hỗ trợ của từng hộ cũng khác nhau, chẳng hạn hộ nghèo không quá 10 triệu đồng/hộ, hộ cận nghèo không quá 8 triệu đồng/hộ, hộ mới thoát nghèo không quá 6 triệu đồng/hộ. Việc triển khai mô hình có sự thay đổi tích cực, đa dạng hóa mô hình về sinh kế cũng làm nhiều người dân yên tâm, lựa chọn và tham gia. Họ cho biết, nếu như trước đây, thời gian hỗ trợ triển khai thực hiện thường là 1 năm thì nay kéo dài 2 - 3 năm hoặc hơn nữa - tùy vào mô hình. Điều này giúp họ mạnh dạn đầu tư và có thời gian nghiên cứu, xem xét, tính toán đường hướng phát triển, mở rộng mô hình để có thu nhập ổn định.
5 năm qua, cùng với nguồn vốn Trung ương và ngân sách địa phương ủy thác, Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách cho hơn 140 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, giúp gần 32.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Gần 13.000 lượt hộ gia đình tại các vùng khó khăn được vay vốn mua sắm máy móc, công cụ phục vụ sản xuất kinh doanh, đánh bắt, chế biến hải sản và mở rộng cơ sở sản xuất…
Hơn 5 năm trước, gia đình ông Nguyễn Xuân Sang ở thôn Thanh Sơn (xã An Tân, huyện An Lão) từng rất cơ cực, là hộ nghèo của địa phương với thu nhập thấp và bấp bênh. Với quyết tâm thoát nghèo bền vững, ông tham khảo các mô hình, kỹ thuật, cách thức nuôi trồng rồi bắt tay vào làm kinh tế. Năm 2014, từ số vốn tích lũy và vay mượn, ông mua 1 ha đất lâm nghiệp để trồng keo lai, tận dụng diện tích vườn nhà, trồng 0,5 ha bưởi da xanh. Các sản phẩm nông nghiệp từ lúa và bắp mà gia đình làm ra và nguồn cỏ của rẫy keo, ông Sang nuôi 10 con bò lai sinh sản, 40 con heo thịt và 200 con gà, đồng thời nấu rượu, ép dầu cung cấp cho các quán trên địa bàn. Lấy ngắn nuôi dài, vừa sản xuất vừa đầu tư, đến nay gia đình ông đã có thu nhập ổn định, khoảng 200 triệu đồng/năm sau khi trừ mọi chi phí. Ông còn tạo việc làm cho 20 lao động phổ thông với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng.
“Để có được như ngày hôm nay, tôi cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp đã cho tôi đi tham quan học tập kỹ thuật-công nghệ tiên tiến, các mô hình làm ăn hiệu quả, đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện để tôi mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu”, ông Sang chia sẻ.
NGỌC TÚ