Thiết tha bao nghĩa tình quê hương
Nghĩa tình quê hương là tên một nhóm thiện nguyện tại TP Hồ Chí Minh, nhưng có phạm vi hoạt động khắp cả nước, do bà Nguyễn Kim Hồng (quê tỉnh Kiên Giang) làm trưởng nhóm. Năm 2014, Ban từ thiện Hiệp hội Nhựa TP Hồ Chí Minh và nhóm đã về Bình Ðịnh, cùng chung tay xây bếp ăn tình thương đầu tiên tại BVÐK tỉnh. Tiếp đó, nhóm đã triển khai hàng loạt hoạt động thắp sáng tình tương thân tương ái, lan tỏa tình thương và sự sẻ chia với người khó khăn của tỉnh.
Sau bếp ăn tại BVĐK tỉnh, nhóm tiếp tục cùng Ban từ thiện Hiệp hội Nhựa TP Hồ Chí Minh góp sức xây bếp ăn tại TTYT TP Quy Nhơn, BVĐK KV Phú Phong (nay là TTYT huyện Tây Sơn), TTYT huyện Phù Cát và xây lại TTYT huyện Tuy Phước với kinh phí hỗ trợ hàng trăm triệu đồng. Ông Trần Đình Ký, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh cho biết, thời gian qua, các bếp ăn hoạt động rất tốt, giúp bệnh nhân yên tâm lưu lại cơ sở y tế để điều trị và tăng cường sức khỏe. “Ý tưởng xây bếp ăn tình thương xuất phát từ việc Hội thấy Ban từ thiện Hiệp hội Nhựa TP Hồ Chí Minh mà cụ thể là ông Võ Văn Hoàng Minh - người sáng lập ra bếp ăn từ thiện cùng với nhóm Nghĩa tình quê hương triển khai thực hiện hiệu quả mô hình này ở nhiều tỉnh, thành khác. Vậy là chúng tôi tìm đến, nhờ họ về Bình Định xây dựng và họ đã đồng ý ngay”.
Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tương chao đậu hũ 3 và nhóm Nghĩa tình quê hương tặng quà cho học sinh dân tộc thiểu số ở làng Trà Hương (xã Cát Lâm, huyện Phù Cát) trước thềm năm học mới 2020 - 2021.
Không chỉ trực tiếp hỗ trợ Bình Định, nhóm Nghĩa tình quê hương còn làm cầu nối, kéo nhiều nhà hảo tâm khác về triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người khó khăn của Bình Định, trong đó có thể kể đến Ban từ thiện Hiệp hội Nhựa TP Hồ Chí Minh và Tổ chức xã hội - thiện nguyện Tâm Nguyệt Việt (trụ sở TP Hồ Chí Minh). Nhờ vậy, trong những năm qua, hàng nghìn thẻ BHYT đã đến tay người dân các hộ cận nghèo, nhiều xe lắc, suất học bổng dành trao cho con bệnh nhân nghèo, gần 200 bộ áo phao đa năng cho ngư dân đi biển, hàng trăm phao cứu sinh tặng học sinh vùng ven sông suối sử dụng phòng, chống đuối nước. Rồi các chương trình phát sóng trên Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh vận động kinh phí tài trợ các ca mổ tim, khắc phục hậu quả mưa bão gây ra; đặc biệt, hàng nghìn khẩu trang, bộ đồ bảo hộ, chai nước sát khuẩn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã đến tay người dân và lực lượng CA tỉnh đều nhờ Nghĩa tình quê hương hoặc thông qua “cầu nối” Nghĩa tình quê hương mà các nhà hảo tâm khác trong cả nước tìm về.
Dạo gần đây, trong hàng loạt hoạt động tiếp sức học sinh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số đến trường trong năm học mới, tặng gạo người khó khăn, hỗ trợ kinh phí điều trị bệnh cho bệnh nhân nghèo… của Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tương chao đậu hũ 3, trong phát biểu của mình, bà Tô Thị Thu Nguyệt, Chi hội trưởng thường gởi lời cảm ơn sâu sắc đến nhóm Nghĩa tình quê hương. Bà Nguyệt cho biết, chưa lần nào bị Trưởng nhóm Kim Hồng “từ chối” mà ngược lại, bà Hồng thường gợi ý tăng thêm suất quà hoặc mở rộng đối tượng thụ hưởng. “Liên lạc với chị Hồng chủ yếu qua điện thoại, cảm nhận của tôi lần nào cũng vậy - đó là sự nhiệt tình, tâm huyết và thiết tha với người dân khó khăn của người trưởng nhóm và có lẽ cũng là của từng thành viên của nhóm này”, bà Nguyệt chia sẻ.
Hỗ trợ một năm mười mấy tỷ đồng cho người khó khăn trong cả nước nói chung, trong đó có tỉnh Bình Định, với Nghĩa tình quê hương thì không có ranh giới địa lý cho tình yêu thương giữa người với người.
“Tên nhóm Nghĩa tình quê hương là do tôi đặt ra đấy, với suy nghĩ trên đất nước mình, ở đâu cũng là quê hương, ở đâu cũng quý tình nghĩa. Thành viên trong nhóm cũng người quê này người quê nọ, các anh em không nề hà điều gì cả, không “thiên vị” ở đâu cả, ở đâu cũng đi hết, đến hết với người khó khăn khi có thể. Bình Định cũng vậy thôi, hỗ trợ được điều gì, nhóm luôn sẵn lòng. Tiếc là do dịch bệnh Covid-19 gây trở ngại chứ không tôi và một số anh em trong nhóm đã về tặng quà cho học sinh khó khăn của tỉnh dịp đầu năm học mới rồi. Tôi nói chị Nguyệt cứ triển khai hoạt động đi, chúng tôi về được thì vui, không về được cũng không sao. Miễn rằng, biết sự hỗ trợ của mình đến được đúng đối tượng, san sớt phần nào sự khó khăn của họ, giúp họ cảm nhận sự quan tâm, yêu thương của người ở gần, ở xa, của cái nghĩa tình đồng bào, quê hương mình là được”, Trưởng nhóm Nguyễn Kim Hồng trải lòng mình vậy.
NGỌC TÚ