Vĩnh biệt người đảng viên cuối cùng của Chi bộ Hồng Lĩnh
Vậy là cụ Trần Di (SN 1917, ở xã Nhơn Phong, TX An Nhơn) - người đảng viên duy nhất còn lại của các chi bộ Ðảng được thành lập đầu tiên ở Bình Ðịnh - với 103 tuổi đời, 83 năm tuổi Ðảng, đã nhẹ nhàng đi vào giấc nghìn thu lúc 12 giờ 15 phút, ngày 12.9.2020 (tức ngày 25 tháng 7 năm Canh Tý).
Tôi may mắn được biết và gặp gỡ, trò chuyện với cụ Trần Di - bậc lão thành cách mạng, người đảng viên đầu tiên của Chi bộ Hồng Lĩnh - vào những lần được cơ quan phân công đưa tin, viết bài những sự kiện có liên quan đến Chi bộ Hồng Lĩnh và cụ. Lần nào gặp, cụ Trần Di cũng để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc về một người đảng viên kiên trung một lòng theo Đảng. Mỗi khi nhắc lại những ngày đầu Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cụ lại say sưa kể về những chặng đường đi theo cách mạng của mình và các bậc tiền bối.
Khi còn sống, dù tuổi cao, mỗi ngày cụ Trần Di đều đọc báo, nghe đài, nắm bắt thời sự để tham gia góp ý xây dựng quê hương.
Ấn tượng đầu tiên là vào năm 2016, Đảng bộ TX An Nhơn long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Chi bộ Hồng Lĩnh (20.10.1936 - 20.10.2016), nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang chiến đấu, trưởng thành của chi bộ Đảng đầu tiên ở khu vực An Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát - tổ chức tiền thân của Đảng bộ An Nhơn ngày nay. Thời điểm này, cụ Di sắp bước sang tuổi 100, lại vừa trải qua cơn bệnh nhưng vẫn đến dự và phát biểu ôn lại truyền thống. Rồi cụ Di thật sự xúc động khi tận mắt chứng kiến Khu di tích Chi bộ Hồng Lĩnh được xây dựng mới thật khang trang, to đẹp, tại chính nơi thành lập Chi bộ trước kia, trong đó có trưng bày những hình ảnh, tư liệu và hiện vật về sự ra đời, quá trình hoạt động và phát triển của Chi bộ Hồng Lĩnh.
Cuối tháng 8.2017, tôi về gặp cụ Di để tìm thêm tư liệu từ những nhân chứng sống như cụ để viết bài nhân kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh. Lúc này, cụ Di đã ở tuổi đại thọ 100, và 80 năm tuổi Ðảng, nhưng vẫn còn minh mẫn, phong thái đĩnh đạc. Vừa gặp, cụ đã ngỏ lời mời tôi về dự buổi gặp mặt nhân dịp Tết Độc lập do gia đình cụ tổ chức. Cụ Trần Di bảo: “Cứ đến ngày 2.9 gia đình tôi lại sắm sửa mâm cỗ để kỷ niệm Tết Độc lập và thắp hương dâng lên bàn thờ Bác. Những lúc ấy, con cháu trong gia đình, dù ở xa cũng tranh thủ về gặp mặt. Ðây là dịp để tôi kể lại một chặng đường theo cách mạng, chuyện về Bác Hồ, đồng thời giáo dục truyền thống quê hương, đất nước cho con cháu”. Tại buổi gặp mặt, các cháu trong gia đình có thành tích xuất sắc trong học tập được cụ khen thưởng, từ số tiền lương hưu hằng tháng mà cụ dành dụm.
Đầu năm 2020, tôi lại về gặp cụ để viết bài nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi tôi đến thì cụ cũng vừa đọc xong 2 tờ báo Nhân Dân và Bình Ðịnh, đang nghe đài để nắm tình hình thời sự. Cụ đặc biệt quan tâm đến các bài báo viết về công tác xây dựng Đảng. Đây là thói quen hằng ngày của cụ từ khi về hưu. Cụ tâm sự: “Phải thường xuyên đọc báo, xem tivi, nghe đài để có thêm kiến thức, thông tin mới mà đóng góp ý kiến, nhằm xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao”. Vì vậy, cụ luôn theo dõi và có nhiều ý kiến đóng góp đầy tâm huyết giúp địa phương ngày càng phát triển.
Vĩnh biệt cụ Trần Di, người đảng viên cuối cùng của các chi bộ Đảng được thành lập đầu tiên ở Bình Định.
Cuối năm 1937, được các đảng viên Chi bộ Hồng Lĩnh tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản, về Cách mạng tháng Mười Nga, đồng chí Trần Di giác ngộ lý tưởng cộng sản và ngày 1.12.1937 được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Trần Di được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời tổng Hinh. Ðến tháng 12.1946, đồng chí về làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính làng Vĩnh Ðịnh (nay là xóm Vĩnh Ðịnh, thôn Liêm Ðịnh, xã Nhơn Phong, TX An Nhơn).
Ðại hội Thanh niên cứu quốc đầu tiên của huyện, đồng chí Di được bầu làm Bí thư, rồi Ủy viên Ban Chấp hành Mặt trận Việt Minh huyện. Tại Ðại hội Ðảng bộ huyện An Nhơn lần thứ I (tháng 9.1946), đồng chí trúng cử vào Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện. Sau Hiệp định Genève, đồng chí tập kết ra Bắc học tập, công tác, được phân công làm nhiệm vụ ở ngành Ngoại thương. Sau giải phóng năm 1975, đồng chí Trần Di nghỉ hưu, về lại xóm Vĩnh Ðịnh, thôn Liêm Ðịnh, xã Nhơn Phong sống cùng gia đình đến nay.
● Tang lễ đồng chí Trần Di được Ban Thường vụ Thị ủy An Nhơn tổ chức. Lễ viếng lúc 9 giờ ngày 13.9, lễ truy điệu lúc 13 giờ ngày 14.9 và lễ an táng lúc 14 giờ 30 phút ngày 14.9 tại quê nhà.
PHẠM PHƯƠNG