Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bắp sinh khối tại Phù Mỹ: Kết thúc không có hậu
Vụ Hè Thu năm nay, huyện Phù Mỹ hỗ trợ nông dân xã Mỹ Châu chuyển đổi gần 6 ha đất sản xuất lúa không chủ động được nước tưới sang trồng bắp sinh khối theo chuỗi liên kết. Tuy nhiên, vì nông dân “bẻ kèo”, chuỗi liên kết không được thực hiện như mong muốn.
Nỗ lực xây dựng chuỗi liên kết
Cánh đồng sản xuất lúa ở thôn Vạn An, xã Mỹ Châu rộng hơn 25 ha, nhưng không chủ động được nước tưới nên tầm giữa vụ Hè Thu (HT) hằng năm thường thiếu nước, cây lúa bị khô héo, nông dân phải cắt bỏ cho gia súc ăn. Trong nỗ lực thích ứng với điều kiện thời tiết khô hạn, vụ HT năm nay, huyện Phù Mỹ đã vận động nông dân ở địa phương cải tạo gần 6 ha đất để trồng bắp sinh khối và mời Trang trại bò sữa Vinamilk Bình Định (xã Nhơn Tân, TX An Nhơn) thu mua sản phẩm của nông dân. Qua đó, tạo chuỗi liên kết, góp phần đảm bảo thu nhập cho nông dân và là cơ sở để nhân rộng, phát triển sản xuất bền vững.
Cánh đồng bắp sinh khối tại thôn Vạn An, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ.
Các hộ tham gia sản xuất bắp sinh khối được hỗ trợ 100% giống từ chương trình khuyến nông Trung ương; mỗi hộ còn được địa phương hỗ trợ thêm 200 nghìn đồng để mua thuốc bảo vệ thực vật, vật tư, phân bón và tập huấn hướng dẫn quy trình sản xuất. Ngoài ra, UBND huyện Phù Mỹ còn chỉ đạo HTXNN Mỹ Châu kéo điện lưới ra đồng, đóng 4 giếng nước ngầm phục vụ sản xuất. Xã Mỹ Châu hỗ trợ cho nông dân một phần chi phí vận chuyển sản phẩm từ ruộng đến bãi tập kết tại địa phương.
Theo ông Trần Minh Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, trước khi xuống giống, huyện đã tổ chức cuộc họp bàn phương án sản xuất, giá sản phẩm, phương án thu mua, vận chuyển sản phẩm. Tại cuộc họp, Trang trại bò sữa Vinamilk Bình Định cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân thông qua HTXNN Mỹ Châu với giá 1.348 đồng/kg bắp sinh khối tại trang trại, trong đó DN hỗ trợ tiền vận chuyển cho nông dân ở mức 98 đồng/kg. Hầu hết nông dân địa phương đều thống nhất với phương án thu mua mà DN đưa ra. Nhờ đầu tư, chăm sóc chu đáo nên bắp sinh khối phát triển tốt.
Chuỗi liên kết thất bại
Gần đến kỳ thu hoạch, HTXNN Mỹ Châu tổ chức họp các hộ tham gia chuỗi liên kết để một lần nữa thống nhất giá sản phẩm, phương án thu mua, nhưng các bên không tìm được tiếng nói chung.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc HTXNN Mỹ Châu, cho hay: “Các chủ phương tiện vận tải ở nhiều địa phương trong huyện đều chốt giá vận chuyển 500 đồng/kg bắp sinh khối từ xã đến Trang trại bò sữa Vinamilk Bình Định. Qua tính toán, HTX thông báo với bà con nông dân sẽ mua bắp sinh khối với giá 850 đồng/kg, tương đương giá mà DN công bố ban đầu, nhưng nông dân không đồng ý. HTX cung cấp địa chỉ các chủ phương tiện để nông dân tự đàm phán giá vận chuyển, đưa sản phẩm đến Trang trại bò sữa Vinamilk Bình Định, nhưng họ cũng không chịu. Sản lượng bắp sinh khối lớn, trong khi vốn của HTX có hạn, chúng tôi không thể mua sản phẩm của nông dân với giá cao hơn. Hơn nữa, nông dân cũng đã được địa phương, HTX hỗ trợ về nhiều mặt nhưng nhiều hộ muốn giữ bắp lại để lấy hạt bán, chứ không muốn bán bắp sinh khối. Do đó, HTX không dám ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho Trang trại bò sữa Vinamilk Bình Định”.
Ông Trần Nghiêng, xóm trưởng xóm 2, thôn Vạn An, cho biết: “Vụ HT, gia đình tôi trồng 2 sào bắp sinh khối PSC 747. Loại giống này mềm cây, lá nhiều, bắp to nhưng hạt không chắc như những giống bắp bà con chúng tôi thường trồng. Năng suất mỗi sào bắp sinh khối đạt 2 tấn. Lá bắp cho bò ăn, còn hạt tôi phơi khô bán với giá 6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi 2 triệu đồng”. Khi được hỏi vì sao gia đình không bán bắp sinh khối cho DN như cam kết ban đầu, ông Nghiêng trả lời ngay: “Sau khi tính toán, tôi thấy giá bắp sinh khối mà HTX và DN thu mua thấp hơn so với giá bắp hạt trên thị trường, nên tôi không bán cho họ. Chúng tôi chỉ lấy công làm lời, còn DN không mua chỗ này thì họ tìm mua sản phẩm ở nơi khác”.
Cùng suy nghĩ này, hộ ông Lê Văn Thạch, ở thôn Vạn An, cho rằng, bán bắp sinh khối thì phải thuê lao động thu hoạch cùng một lúc với các hộ khác, mất thêm một khoản chi phí, còn giữ bắp già để lấy hạt bán thì rảnh lúc nào thu hoạch lúc đó, đàn bò lại có lá để ăn.
Ông Bùi Văn Toại, Giám đốc Trang trại bò sữa Vinamilk Bình Định, cho biết: Khoảng cách từ xã Mỹ Châu đến trang trại xa hơn một số xã khác ở TX An Nhơn và các huyện Vĩnh Thạnh, Phù Cát, nên chúng tôi đã mua sản phẩm cho nông dân với giá cao hơn, vừa đảm bảo nguồn thu cho nông dân, vừa khuyến khích bà con duy trì chuỗi liên kết trong những mùa vụ tiếp theo. Đáng tiếc là nông dân không chia sẻ, không muốn hợp tác làm ăn lâu dài với chúng tôi. Nhu cầu bắp sinh khối phục vụ chăn nuôi bò sữa của trang trại là rất lớn, chúng tôi luôn mong muốn tiếp tục được hợp tác với các địa phương, trong đó có xã Mỹ Châu thực hiện liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ bắp sinh khối.
PHẠM TIẾN SỸ