Thanh thiếu niên nói “không” với thuốc lá
Năm 2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến khích chuỗi hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá tập trung vào chủ đề “Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá”.
WHO thống kê, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân khiến hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm và hơn 1 triệu ca tử vong vì hút thuốc thụ động trên toàn thế giới.
Các sản phẩm thuốc lá mới hiện được các cơ sở kinh doanh giới thiệu là ít hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường. Tuy nhiên, đến nay, các bằng chứng cho thấy cả thuốc lá điện tử ENDs và thuốc lá nung nóng HTPs đều chứa các thành phần độc hại, khi sử dụng có sự đốt cháy và khói, hơi tỏa ra môi trường gây hại cho người xung quanh. Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ảnh hưởng đến giới trẻ về sức khỏe cũng như nhiều nguy cơ dẫn tới hành vi sử dụng ma túy và các chất kích thích khác, thậm chí nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường. Ở nước ta, khảo sát gần đây tại 29 tỉnh, thành cho thấy, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử đang tăng, hiện ở mức 2%.
WHO khuyến cáo, thuốc lá làm nóng tạo ra chất khí độc hại, giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Dù HTPs được nung ở nhiệt độ thấp hơn nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá bình thường. Khói thuốc làm nóng, ngoài gây hại cho người hút còn ảnh hưởng người xung quanh do hút thuốc thụ động.
Còn theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á, đa phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Đối với trẻ em và phụ nữ mang thai, nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho phát triển của não bộ. Đối với thanh thiếu niên, những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến các em dễ bị nghiện, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Phần lớn người hút thuốc bắt đầu hút trước tuổi 20, do hiểu biết về tác hại của thuốc lá còn hạn chế, thích thể hiện bản thân nên rất dễ bị lôi kéo, rủ rê, đặc biệt là tò mò muốn thử...
Thuốc lá gây ô nhiễm môi trường sống, làm giảm chất lượng học tập và hiệu quả làm việc, bào mòn sự thông minh, sáng tạo của thế hệ trẻ, lứa tuổi mà hiện nay chúng ta đang rất cần xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng.
Trước thực trạng đó, công tác phòng, chống hút thuốc lá là vấn đề bức thiết, hơn ai hết đối tượng đáng được quan tâm nhất là tuổi trẻ, với những đặc trưng tâm lý lứa tuổi rất dễ bị lôi kéo vào việc hút thuốc.
HOÀNG ANH