TS nông nghiệp Nguyễn Thị Tố Trân: “Lãnh đạo tốt là người giỏi truyền cảm hứng”
Mấy năm gần đây, dù ngành Nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, như thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh phát sinh, giá cả nông sản bấp bênh... nhưng công tác khuyến nông ở Bình Ðịnh vẫn đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thành công ấy có dấu ấn rõ nét của TS Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT.
Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm người đứng đầu
Với ý thức cầu tiến, không ngừng nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, giai đoạn 2015 - 2020, TS Nguyễn Thị Tố Trân (SN 1973, quê thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) với vai trò là Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (thuộc Sở NN&PTNT), đã tập trung chỉ đạo đơn vị nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ.
TS Tố Trân chia sẻ: “Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ không chỉ cần nỗ lực của mỗi cá nhân mà còn đòi hỏi sự gắn kết và tinh thần phấn đấu của cả tập thể. Ở vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tôi luôn quan tâm đến việc cải tiến lề lối làm việc; tạo điều kiện cho cán bộ, viên chức phát huy sở trường của mỗi người, tự hoàn thiện bản thân, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chung của đơn vị. Đặc biệt là truyền cảm hứng để mọi người cùng tìm thấy niềm vui trong công việc, say mê làm việc!”.
Trong thời gian đảm nhiệm vai trò Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, TS Tố Trân (thứ ba, từ trái qua) rất sâu sát tình hình thực tế để chỉ đạo đơn vị hỗ trợ nông dân sản xuất một cách hiệu quả nhất.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông là đơn vị đi đầu trong thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, với nhiều hoạt động bám sát thực tế tình hình biến đổi khí hậu; chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng vùng sản xuất tập trung, sản xuất theo chuỗi... đạt nhiều hiệu quả, tạo cơ sở để nhân rộng mô hình.
Cụ thể, một trong những thành công nổi bật trong 5 năm (2015 - 2020) của Trung tâm Khuyến nông là xây dựng và thực hiện 107 loại mô hình khuyến nông (54 mô hình trồng trọt, lâm nghiệp; 25 mô hình chăn nuôi; 19 mô hình thủy sản; 8 mô hình cơ giới hóa; 1 mô hình tổ chức sản xuất) với 264 điểm trình diễn (đạt 100% kế hoạch). Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm; thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới.
Những đóng góp và uy tín của người đứng đầu Trung tâm Khuyến nông được các cấp lãnh đạo và đồng nghiệp đánh giá cao. Đầu tháng 7.2020, UBND tỉnh đã có quyết định bổ nhiệm TS Nguyễn Thị Tố Trân giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở NN&PTNT.
Những sáng kiến hiệu quả, thiết thực
Từ năm 2015 đến năm 2019, TS Tố Trân không ngừng nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, với 5 sáng kiến được áp dụng tại đơn vị, góp phần xây dựng và thực hiện các mô hình khuyến nông trên địa bàn tỉnh đem lại hiệu quả cao.
Năm 2015, TS Tố Trân có giải pháp “Cải tiến quy trình xây dựng kế hoạch khuyến nông và công tác chọn hộ, chọn điểm để triển khai thực hiện các mô hình khuyến nông, khuyến ngư”, góp phần giúp cho công tác này được thực hiện chủ động, xây dựng sớm, đáp ứng được thời gian, đạt hiệu quả theo đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra. Sáng kiến cũng khắc phục hạn chế khi các trạm khuyến nông huyện, thị xã, thành phố từ chối không thực hiện mô hình do không chọn được địa điểm và hộ tham gia, giảm việc điều chỉnh kế hoạch khuyến nông, mất thời gian, kém hiệu quả.
TS Nguyễn Thị Tố Trân đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2015; Chủ tịch UBND tỉnh tặng 3 bằng khen có nhiều thành tích cống hiến trong giai đoạn 2011 - 2015, năm 2017 và 2019; Sở NN&PTNT công nhận là Chiến sĩ thi đua cơ sở liên tục trong 5 năm qua (2015 - 2019).
Sáng kiến “Xây dựng phương thức tổ chức phối hợp xây dựng các mô hình khuyến nông gắn với hỗ trợ địa phương thực hiện chủ trương chuyển đổi sản xuất cây trồng cạn trên đất lúa” năm 2016 của TS Tố Trân, đã gợi mở ra nhiều giải pháp đạt hiệu quả cao trong mở rộng diện tích chuyển đổi sản xuất cây trồng cạn trên đất lúa. Chị chia sẻ: “Giải pháp này góp phần hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh công tác chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa, với diện tích chuyển đổi ở trong tỉnh năm 2016 là gần 2.889 ha. Các loại cây trồng đều sinh trưởng phát triển tốt, năng suất đạt khá, hiệu quả hơn sản xuất lúa. Qua đó, thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi của tỉnh, nhằm giảm áp lực về nước sản xuất trong điều kiện nắng hạn…; chuyển giao kỹ thuật đến nông dân, ổn định sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững”.
Đặc biệt, năm 2019, TS Tố Trân có sáng kiến “Xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa đồng tiền để áp dụng vào thực tiễn tại Bình Định” được đánh giá cao, khi cải tiến quy trình kỹ thuật trồng hoa đồng tiền của Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tháp chuyển giao cho phù hợp với thực tế sản xuất tại Bình Định.
TS Tố Trân cho biết: “Khi trồng thử nghiệm tại làng hoa Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), quy trình kỹ thuật trồng hoa đồng tiền chậu giá thể được cải tiến hoàn toàn so với quy trình gốc, nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu giá thể của hoa như tơi xốp, thoát nước tốt, cung cấp được dinh dưỡng cho cây trồng và dùng các vật liệu rẻ tiền, sẵn có tại địa phương, dễ áp dụng vào thực tế sản xuất của nông dân. Kết quả đạt được ở mô hình trồng tại Bình Lâm xác định quy trình kỹ thuật áp dụng là phù hợp, đảm bảo đạt năng suất, chất lượng hoa đồng tiền. Các giống hoa đều sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt từ 92 - 98%, hoa to, màu sắc đẹp, lâu tàn...”.
Những cải tiến về quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa đồng tiền của TS Tố Trân đã được UBND tỉnh công nhận sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng trong toàn tỉnh Bình Định năm 2019.
HOÀI THU