Mô hình nuôi cá chép giòn ở Vĩnh Thạnh: Thành công bước đầu
Vài năm gần đây, nghề nuôi thủy sản nước ngọt phát triển mạnh ở huyện Vĩnh Thạnh, đặc biệt là nghề nuôi cá lồng trong lòng hồ Định Bình. Để phát huy tiềm năng, lợi thế, hướng đến có thêm sản phẩm phục vụ du lịch, huyện Vĩnh Thạnh đã triển khai mô hình nuôi thử nghiệm cá chép giòn lồng bè trong hồ Định Bình.
Mô hình nuôi thử nghiệm cá chép giòn của anh Nguyễn Quốc Luật ở xã Vĩnh Hảo được huyện Vĩnh Thạnh hỗ trợ, bước đầu đã thành công.
Mô hình này được huyện triển khai từ tháng 10.2019 đến tháng 5.2020. Anh Nguyễn Quốc Luật, ở thôn Định Nhất, xã Vĩnh Hảo, hộ nuôi cá lồng trong hồ Định Bình được huyện Vĩnh Thạnh hỗ trợ 30 triệu đồng để nuôi thử nghiệm cá chép giòn, cho biết: “Tất cả các khâu nuôi, tôi đều tuân thủ theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp huyện. Sau thời gian nuôi thuần dưỡng khoảng 1 tháng, tôi chọn lọc những con không bị dị tật, có trọng lượng từ 1 kg trở lên để nuôi vỗ giòn”.
Cũng theo anh Luật, trong thời gian nuôi thử nghiệm vỗ giòn, cá sinh trưởng tốt, không bị hao hụt, trọng lượng mỗi con đạt từ 1,5 - 2 kg. Cá chép giòn có giá 150 nghìn đồng/kg, cao gấp 3 lần giá cá chép nuôi bình thường.
Theo kết quả đánh giá mô hình nuôi thử nghiệm cá chép giòn tại hộ anh Nguyễn Quốc Luật của ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh, với số lượng cá thả nuôi ban đầu 300 kg con giống, sau 6 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình 2 kg/con, thân dài săn chắc, màu sắc cá nhạt hơn; qua chế biến ăn thử thì cá không có mùi tanh như đặc trưng của cá chép, thịt săn giòn, thơm ngon.
Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho hay: “Mô hình thử nghiệm bước đầu đã mang lại kết quả khả quan. Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp huyện đã báo cáo UBND huyện cho tiếp tục triển khai mô hình nhắc lại để hoàn thiện về quy trình kỹ thuật nhằm đánh giá chính xác về chất lượng cá chép giòn nuôi tại hồ Định Bình. Từ đó tạo đà nhân rộng mô hình, giúp tăng hiệu quả kinh tế cho người dân khi có thêm đối tượng giống thủy sản mới để nuôi”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN