Nơi hiện vật bị bỏ quên
An Nhơn được mệnh danh là “đất vua”, “đất Thành”, nơi chứng kiến bao vương triều hưng phế, dấu tích lịch sử còn lưu đến nay. Phòng truyền thống thị xã An Nhơn với hàng ngàn hiện vật, tư liệu, hình ảnh có giá trị, chính là tấm gương soi rọi về lịch sử, văn hóa vùng đất này. Tuy nhiên…
Hạn chế về địa điểm, không gian
Nằm tại 251 Trần Phú, phường Bình Định (thị xã An Nhơn), trừ những lúc hiếm hoi mở cửa phục vụ khách đến tham quan, còn lại Phòng truyền thống thị xã An Nhơn (gọi tắt là PTT) đều ở trong tình trạng cửa đóng then cài. Đi ngang PTT trong giờ hành chính, cứ ngỡ nơi này không hoạt động nhưng kỳ thực, nếu vào PTT bằng cổng bên hông (cổng Trung tâm VH-TT&TT thị xã) sẽ thấy, ngày nào cũng có 1 nhân viên túc trực.
PTT là một mặt bằng cũ, chật hẹp được tận dụng, kiểu xây dựng cũ không có khoảng lùi cần thiết, chìa ra đường hứng lấy bụi bặm và tiếng ồn, rất không phù hợp với công năng hoạt động dành cho thiết chế bảo tàng. “Có mở cửa thì mặt tiền cũng thường xuyên bị án ngữ vì cửa hàng phân bón bên cạnh bốc dỡ hàng hóa, hiện vật trong phòng thêm bụi bặm. Khi có khách tham quan, âm thanh huyên náo bên ngoài cũng ảnh hưởng đến việc thuyết minh, làm người xem mất tập trung…”, bảo tàng viên Nguyễn Thị Thúy Hằng, phụ trách PTT than thở.
Không chỉ vậy, khó khăn lớn nhất là diện tích và không gian bên trong PTT không đảm bảo yêu cầu hoạt động. PTT chỉ vỏn vẹn 85m2 (5,2mx16,4m), là nơi dung chứa, trưng bày lẫn bảo quản cả ngàn hiện vật, tranh ảnh… Người phụ trách ở đây (chị Hằng) cho biết: “Diện tích quá nhỏ chỉ cho phép chúng tôi chọn trưng bày những hiện vật có giá trị, tiêu biểu nhất. Quan trọng hơn, với hiện trạng cơ sở vật chất như thế không đáp ứng được hiệu quả trưng bày, không thu hút được người dân đến tham quan”.
“Mục sở thị” PTT thị xã An Nhơn, có cảm giác nơi này là kho cất giữ, bảo quản hơn là trưng bày. Khó lòng lưu lại PTT lâu, bởi không khí bức bí, ngột ngạt; công tác bảo quản chỉ dừng lại ở mức đơn giản là lau chùi hiện vật, thiếu thiết bị chống ẩm, điều hòa nhiệt độ, xử lý hiện vật bằng hóa chất…
Bế tắc vì hết… đất?
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT thị xã An Nhơn Từ Văn Minh xác nhận, hiện trạng cơ sở vật chất, không gian trưng bày của PTT khó lòng đáp ứng hiệu quả hoạt động. Điều này đã tồn tại từ rất nhiều năm qua mà hướng khắc phục - một đã bất thành, một còn nằm trong quy hoạch. Ông Minh cho biết: “Những năm 90 của thế kỷ trước, lãnh đạo huyện đã đồng ý chủ trương xây dựng PTT mới, giao cho Trung tâm tham mưu địa điểm phù hợp, tuy nhiên địa điểm đề xuất (nằm trên đường Lê Hồng Phong, đối diện Thư viện thị xã) không được chủ đất đồng ý hoán đổi. PTT cần được xây dựng ở nơi trung tâm, gần trường học để tiện phát huy hiệu quả song quỹ đất ở những nơi lý tưởng như thế đều đã kín. Hướng lâu dài, theo chúng tôi được biết là trong quy hoạch của thị xã, Trung tâm VH-TT&TT sẽ được di dời đến một địa điểm khác và PTT sẽ là một trong các phòng chức năng của Trung tâm”.
Một cơ ngơi khang trang cho thiết chế văn hóa PTT thị xã An Nhơn chưa biết đến khi nào mới thành hiện thực, điều dễ thấy trước mắt là An Nhơn đang lãng phí khối lượng hiện vật đồ sộ của mình. Trước đó, cũng vì không gian trưng bày không đảm bảo mà PTT đã phải chuyển giao toàn bộ 67 hiện vật Chăm về cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Hiện tại, hơn 600 hiện vật phải chịu cảnh lặng lẽ sau cánh cổng sắt đóng im ỉm. Quý giá và độc đáo như mảnh vàng chạm khắc hoa văn bông lúa và sóng nước được tìm thấy ở tháp Cánh Tiên, hiện đang được… công an giữ hộ để đảm bảo an toàn; bộ đồ thờ bằng đồng, chuông đồng thời Tự Đức, Minh Mạng; hay cuốn kinh thư lưu bút tích Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc… cũng không nơi lưu giữ.
Trong khi nhà truyền thống địa phương ở nhiều nơi sau khi được xây dựng bề thế không biết lấy đâu ra hiện vật để lắp vào thì tại An Nhơn, nhiều hiện vật gốc, độc bản không có dịp cất lên tiếng nói của mình. “Có dở cũng ở Đất Thành”, nhất là An Nhơn giờ đã là thị xã. Giả sử, một du khách nước ngoài đi du lịch ở “đất vua”, “đất Kinh xưa”, say mê với thành Hoàng Đế, tháp Cánh Tiên, chùa Thập Tháp…, sau khi được đáp ứng đề nghị đến thăm Bảo tàng An Nhơn và quay trở ra từ một PTT chật hẹp nhường ấy, họ sẽ nghĩ gì? Ông Trần Duy Đức, một cán bộ về hưu của địa phương này trăn trở: với bề dày văn hóa của mình, An Nhơn rất cần và rất nên có một bảo tàng cấp huyện đúng tầm. Và nếu trong điều kiện ngân sách, kinh phí khó khăn chưa thể xây dựng bảo tàng, nhà truyền thống mới thì bố trí một địa điểm phù hợp, đủ điều kiện để thiết chế này đi vào hoạt động.
SAO LY
Nội dung Là một người dân An Nhơn tôi thấy rất đồng tình với bài báo này! Thật sự nhưng người trẻ như chúng tôi, rất muốn tìm hiểu về lịch sử hào hùng, văn hóa, nghệ thuật, phong tục...của người dân An Nhơn xưa thật rất khó khăn, mong rằng sẽ sớm có 1 Bảo Tàng trên Thị xã, đã những người trẻ có thể học hỏi, cũng như gìn giữ những điều tốt đẹp của ông cha ngày trước!