SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN TINH BỘT MÌ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TẠI HUYỆN TÂY SƠN:
Chấm dứt hoạt động, hỗ trợ chuyển nghề
Sau khi chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, hoạt động sản xuất, chế biến tinh bột mì gây ô nhiễm môi trường tại huyện Tây Sơn đã chấm dứt hoạt động. Hiện nay, huyện đang triển khai các giải pháp để hỗ trợ nông dân chuyển đổi nghề, đảm bảo cuộc sống.
Sau khi dừng sản xuất, chế biến tinh bột mì, gia đình ông Phan Văn Quân (thôn Phú Hưng, xã Bình Tân) đã chuyển nghề sang nuôi bò và có nguồn thu khá.
Sản xuất mì gây ô nhiễm môi trường
Nghề trồng mì và sản xuất, chế biến tinh bột mì là nghề truyền thống và mang lại nguồn thu nhập đáng kể, giúp hàng trăm lao động ở một số địa phương có việc làm ổn định. Theo thống kê của huyện Tây Sơn, trên địa bàn huyện có 26 cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột mì nằm rải rác và xen kẽ trong khu dân cư. Trong đó, tập trung ở xã Bình Tân với 23 cơ sở (có 4 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh quy mô hộ gia đình cá thể) và xã Bình Thành với 3 cơ sở. Bình quân, công suất của các cơ sở này làm từ 5 - 10 tấn mì/hộ/ngày.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Tây Sơn, cho biết: “Kết quả quan trắc đánh giá chất lượng môi trường không khí, nước thải sản xuất, nước ngầm và nước mặt các hộ dân sản xuất tinh bột mì tại 2 xã Bình Tân và Bình Thành đều cho thấy lượng Xianua vượt từ 11 - 24 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến tinh bột sắn. Điều nguy hiểm là nước thải sau xử lý có pH không đạt đã gây chua đất, ô nhiễm môi trường nước ngầm. Lượng Xianua cao khi thải ra môi trường bên ngoài cũng gây tác hại trực tiếp đến hệ sinh thái, làm thay đổi đặc tính của đất, dẫn đến cây trồng khó sinh trưởng và phát triển”.
Ông Nguyễn Thanh Điền, Chủ tịch UBND xã Bình Tân, cho biết: Mặc dù được nhà nước thường xuyên quan tâm hỗ trợ về kinh phí và hướng dẫn đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải nhưng các cơ sở vì lợi nhuận không ngừng tăng quy mô sản xuất; cá biệt có hộ không vận hành hệ thống xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra môi trường. Ngoài ra, hầu hết các cơ sở đều nằm xen kẽ trong khu dân cư, diện tích đất chật hẹp, không đủ cho việc phục vụ đất sản xuất cũng như tiêu thoát nước thải. Do đó, làm cho mức độ ô nhiễm môi trường trong khu dân cư ngày càng gia tăng. “UBND xã đã nhiều lần tiến hành kiểm tra, nhắc nhở và xác lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với các hộ dân sản xuất, chế biến tinh bột mì gây ô nhiễm môi trường. Đến nay, nhờ tích cực phối hợp với các ngành chức năng của huyện, tỉnh quyết liệt triển khai các giải pháp nên hoạt động sản xuất, chế biến tinh bột mì trong khu dân cư trên địa bàn xã đã chấm dứt”, ông Điền bày tỏ.
Hỗ trợ lao động chuyển đổi nghề
Theo nhận định của các ngành chức năng huyện Tây Sơn, nếu chấm dứt nghề sản xuất, chế biến tinh bột mì trên địa bàn huyện thì sẽ không có nguồn nguyên liệu để thúc đẩy phát triển các ngành nghề truyền thống khác như: Làm bánh tráng, bún tươi, bún khô, các loại bánh khác… cũng như làm giảm thị trường tiêu thụ củ mì của các hộ dân ở khu vực nông thôn. Trên cơ sở đó, UBND huyện Tây Sơn đã bố trí diện tích khoảng 4 ha tại Cụm công nghiệp (CCN) Bình Tân (thôn Mỹ Thạch, xã Bình Tân) để thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột mì ra khỏi khu dân cư.
Đồng thời, sau khi chấm dứt hoạt động, UBND huyện Tây Sơn cũng đã hỗ trợ 26 cơ sở này 5 triệu đồng/hộ để chuyển đổi nghề. Điều đáng mừng là quá trình triển khai thực hiện chủ trương này thì các chủ cơ sở đều đồng tình và bắt đầu tìm kiếm các ngành nghề phù hợp để phát triển kinh tế gia đình thay cho nghề cũ. Ông Phan Văn Quân (47 tuổi, thôn Phú Hưng, xã Bình Tân), chia sẻ: “Trước đây tôi đã đầu tư gần 100 triệu đồng để mua máy móc và xây dựng các công trình phục vụ nghề làm mì. Lúc cao điểm có ngày nhà tôi làm 7 tấn mì/ngày. Nói thật thì làm mì có tiền hơn các nghề khác ở nông thôn, nhưng quá trình làm thì gây ô nhiễm. Cũng vì thế mà khi nhà nước có chủ trương dừng thì gia đình tôi cũng đồng tình. Từ số tiền hỗ trợ của huyện, tôi cũng vay thêm ít tiền chuyển sang chăn nuôi bò và heo. Tuy thu nhập không bằng làm mì nhưng cũng có đủ lo cho cuộc sống, cái được hơn là môi trường trong lành, hàng xóm hết phàn nàn về mùi hôi”.
Ông Huỳnh Công Chánh, Trưởng thôn Phú Hưng, cho biết: 23 hộ đã từng làm nghề sản xuất, chế biến tinh bột mì ở thôn giờ đã chuyển sang làm ăn hiệu quả với các nghề khác như: Sản xuất bánh tráng, chăn nuôi bò, heo, đan lát sợi nhựa… Đồng thời, thôn cũng thường xuyên tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động họ không tiếp tục làm nghề cũ và xây dựng các “tai mắt” để phát hiện, báo cáo xã xử lý ngay lập tức đối với các hộ lén lút sản xuất lại.
Về hướng hỗ thêm cho lao động dôi ra sau khi chấm dứt sản xuất, chế biến tinh bột mì trong khu dân cư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tây Sơn Bùi Văn Mỹ, bày tỏ: “Hiện nay trên địa bàn có 12 CCN với số lượng lấp đầy khoảng 60% có nhiều ngành nghề phù hợp với lao động địa phương, nếu lực lượng lao động tại đây có nhu cầu huyện sẽ tạo điều kiện xin việc tại các DN trong các CCN. Đặc biệt, tại Khu quy hoạch chăn nuôi tập trung của xã Bình Tân có Công ty TNHH MTV Hà My đầu tư chăn nuôi gà đang triển khai xây dựng nhà xưởng cũng đã hứa với địa phương sẽ tạo điều kiện thu hút lao động ngay tại xã hoặc chuyển giao công nghệ chăn nuôi, sau đó thu mua sản phẩm của người dân”.
HỒNG PHÚC