Phù Cát nỗ lực phát triển mô hình “cánh đồng lớn”
Trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2020, huyện Phù Cát đã thực hiện 196 mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu lớn trên diện tích 9.900 ha, hơn 43.000 hộ tham gia sản xuất trên cây lúa, đậu phụng xen mì, bắp lai và công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa hoặc 2 vụ lúa - 1 vụ màu đạt được hiệu quả kinh tế khá cao.
Nhìn chung, việc thực hiện mô hình kết hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ đều cho năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập tăng, từng bước hình thành những cánh đồng sản xuất chuyên canh, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa và một số sản phẩm nông nghiệp bước đầu đáp ứng thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, đưa giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt 117 triệu đồng, tăng 12,4 triệu đồng so năm 2015; nhiều cánh đồng đạt trên 200 triệu đồng/ha như: Xã Cát Lâm, Cát Hiệp, Cát Tài, Cát Hải, Cát Hanh…
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, thì hiệu quả đem lại của mô hình cánh đồng lớn giúp cho người nông dân quen dần với cách làm mới như: Giảm lượng giống, giảm lượng phân đạm, giảm số lần phun thuốc trừ sâu... Trong khi đó, năng suất cây trồng vẫn tăng và hiệu quả cao hơn từ 7 - 15 triệu đồng/ha, tùy từng loại cây trồng so với ruộng ngoài mô hình. Hơn nữa, với quy tắc “3 cùng” (cùng giống, cùng đồng, cùng thời gian), việc điều tiết nước, chăm sóc thuận lợi hơn nhiều so với trước, lúa chín tập trung nên có thể ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch, làm giảm chi phí nhân công, đảm bảo lợi ích cho nông dân.
Bà Nguyễn Thị Nhung, ở thôn Mỹ Thuận, xã Cát Hưng, cho biết: “Với cách làm mới, hiệu quả thu về rất tốt, như nhà tôi thu được từ 350 - 400 kg/sào, cao hơn trước 30 - 50 kg/sào!”.
Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực tìm kiếm đối tác tốt, kết hợp với các HTXNN cùng nhau hỗ trợ nông dân phát trtển các mô hình phù hợp. Đồng thời, tăng mức hỗ trợ kinh phí và chọn vùng quy hoạch hình thành cánh đồng lớn; đặc biêt là cánh đồng lớn gắn với liên kết chuỗi và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân một cách hợp lý với diện tích lớn tập trung; nhằm tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.
THẾ HÀ