Thượng tá Trần Xuân Chí - Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh:
Cuối năm cần cảnh giác cao độ với “giặc lửa”
Cuối năm là thời điểm thường xảy ra hỏa hoạn. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn Thượng tá Trần Xuân Chí, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu hộ cứu nạn (Công an tỉnh), về các biện pháp tăng cường công tác PCCC.
* Thưa Thượng tá, trước nguy cơ cháy, nổ xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản có chiều hướng diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh; đơn vị đã và đang triển khai những biện pháp gì để đề phòng các vụ cháy, nổ xảy ra, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014?
- Nguy cơ cháy, nổ vào dịp cuối năm thường rất cao, nhất là ở các khu công nghiệp (KCN), chợ, trung tâm thương mại (TTTM), khu dân cư (KDC) hay các kho chứa xăng dầu. Để đảm bảo an toàn trong công tác PCCC, từ nay đến Tết Giáp Ngọ 2014, đơn vị sẽ triển khai nhiều đợt tổng kiểm tra các địa điểm này. Tại đây, chúng tôi sẽ kiểm tra kế hoạch PCCC của cơ sở nhằm đảm bảo an toàn về tài sản và con người; khả năng ứng trực của lực lượng PCCC ở cơ sở, bao gồm phương tiện và con người hiện có; đồng thời, nhắc nhở và hướng dẫn khắc phục những thiếu sót, nguy cơ xảy ra cháy của đơn vị. Qua kiểm tra, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.
* Trong dư luận, hiện nay có thông tin, một số doanh nghiệp (DN) cố tình tạo ra những vụ cháy, nổ để trục lợi bảo hiểm, xin ông nói rõ về vấn đề này?
- Dư luận này có nghe nhiều, tuy nhiên nó không có cơ sở. Từ trước đến nay, ở tỉnh ta, chưa phát hiện vụ cháy, nổ nào có dấu hiệu DN trục lợi trong bảo hiểm cháy nổ hay bảo hiểm hàng hóa bắt buộc. Quy định bồi thường một vụ cháy, nổ rất nghiêm ngặt. Sau khi có cháy, nổ xảy ra, cơ quan điều tra sẽ thành lập một hội đồng khám nghiệm hiện trường, để điều tra rất chi tiết vụ cháy, nổ và có kết luận nguyên nhân vụ cháy, nổ. Căn cứ kết luận của cơ quan điều tra, cơ quan bảo hiểm mới tiến hành xem xét, đánh giá thiệt hại; qua đó, có phương án bồi thường cho DN theo quy định bảo hiểm hiện hành.
Các đơn vị bảo hiểm thường có quy trình, khâu giám sát riêng; có thể trực tiếp đứng ra tổ chức giám định thiệt hại hoặc ủy quyền, hay mời những đơn vị giám định trung lập để đánh giá thiệt hại của DN. Vì vậy, DN nào có hành vi khai “khống” để trục lợi sẽ bị phát hiện ngay.
* Từ những vụ cháy gần đây, ông có khuyến cáo gì trong công tác PCCC?
- Lực lượng PCCC tại chỗ rất quan trọng, chủ DN, những người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải đầu tư xây dựng và tập dượt nhiều cho lực lượng này. Phong trào toàn dân tham gia PCCC cũng hết sức quan trọng, nhiều vụ cháy đã được hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất nhờ người dân báo cháy kịp thời. DN không nên xem PCCC là việc của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Qua vụ cháy mới đây tại kho sơn của Công ty TNHH Đại Thành, cần lưu ý: Đối với DN sản xuất chế biến gỗ, bao bì… Thứ nhất, công tác phát hiện và chữa cháy tại chỗ phải nhanh nhạy; DN phải bố trí, phân công lực lượng trông coi, kiểm tra thường xuyên các nguồn nhiệt gây cháy. Thứ hai, phải kiểm soát được nguồn nguy cơ gây cháy. Ví dụ như các DN chế biến gỗ phải chú trọng đến các lò nung, nguồn điện vì đây là 2 nguồn nhiệt gây cháy chủ yếu trong các xưởng chế biến gỗ. Thứ ba, tuyệt đối không cho công nhân hút thuốc trong quá trình làm việc. Hàng hóa đã lắp ráp thành linh kiện thì không được để chung trong phân xưởng sản xuất; các phụ liệu phục vụ cho việc sản xuất như sơn, dung môi cần chứa trong kho chuyên biệt.
Đối với các chợ, TTTM, KDC hay nhà cao tầng tuyệt đối không được thắp nhang, đốt vàng mã cho việc cúng kính, nhất là trong dịp cuối năm. Ngoài hệ thống PCCC cần chú ý đến các nhà, hầm để xe, không nên để xe quá tải gây lấn chiếm lối thoát nạn khi xảy ra cháy. Người dân khi sử dụng lửa, điện phải có khoảng cách an toàn, có người trông coi và khi không dùng đến thì phải tắt các thiết bị.
Và để công tác PCCC đảm bảo, các đơn vị DN, cá nhân cần trang bị các phương tiện PCCC tại chỗ, như báo cháy tự động, máy bơm, đường ống, hầm chứa nước… và thường xuyên kiểm tra sự hoạt động các phương tiện này.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)
Cuối năm, chuyện hỏa hoạn luôn là câu chuyện nóng hổi của chỉ riêng tỉnh Bình Định mà của nhiều địa phương trong cả nước. Vì vậy, bài viết này rất ý nghĩa và phù hợp với thực tế. Riêng cá nhân tôi, lại tỏ ra thích thú với câu 2 - câu hỏi hay, lâu nay chưa từng nghe thấy ai nói về chuyện này. Công ty, đơn vị nào thực hiện đầy đủ như nội dung câu 3 mà ông Thượng tá này nói, thì chuyện lửa thiêu sẽ được ngăn chặn. Cảm ơn quý báo!