Khởi kiện ngư dân để thu hồi nợ vay “tàu 67”
Ngày 4.6.2020, UBND tỉnh ban hành quyết định về kế hoạch thu hồi nợ cho vay theo Nghị định 67/2014/NÐ-CP. Ngay sau đó, ngành Ngân hàng và các sở, ngành liên quan của tỉnh, chính quyền các địa phương đã triển khai các giải pháp thu hồi nợ vay, nhằm tránh phát sinh tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn.
Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tính đến cuối tháng 6.2020, các ngân hàng TMCP trong tỉnh đã khởi kiện 15 chủ tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (thường gọi là “tàu 67”). Cụ thể, Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Phú Tài (BIDV Phú Tài) khởi kiện 12 chủ tàu, Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Ðịnh (Vietcombank Bình Định) khởi kiện 2 chủ tàu, Ngân hàng Công Thương Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Ðịnh (Vietinbank Bình Ðịnh) khởi kiện 1 chủ tàu.
Nhiều ngư dân bị khởi kiện
Năm 2015, ngư dân Nguyễn Văn Lý, ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ được BIDV Phú Tài cho vay hơn 13,2 tỷ đồng đóng mới tàu cá vỏ thép BĐ 99004-TS tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (tỉnh Nam Định). Cuối năm 2016, tàu đưa vào hoạt động, song liên tục gặp sự cố hư hỏng phải nằm bờ sửa chữa. Đến năm 2018, Công ty đóng tàu khắc phục xong hư hỏng và tàu tiếp tục ra khơi, song việc đánh bắt liên tục thua lỗ khiến ông Lý không có khả năng trả nợ vay cả gốc lẫn lãi. Tháng 5.2020, BIDV Phú Tài khởi kiện ông Lý và TAND TP Quy Nhơn đang thụ lý vụ việc.
Tàu cá vỏ composite BÐ 99028-TS của ngư dân Nguyễn Văn Luyến, ở phường Trần Phú (TP Quy Nhơn) cập cảng cá Quy Nhơn bán sản phẩm.
Ngư dân Nguyễn Văn Lý buồn bã: “Tàu liên tục gặp sự cố hư hỏng, tôi phải bán con tàu vỏ gỗ để bù vào chi phí sửa chữa. Tàu vươn khơi trở lại, nhưng đánh bắt không hiệu quả, rồi phải nằm bờ do bảo hiểm hết hạn không mua lại được. Từ khi đóng tàu tới giờ, nhờ tiền hỗ trợ dầu và tiền đền bù của Công ty đóng tàu tôi trả nợ vay được hơn 400 triệu đồng, rồi không còn khả năng trả nữa. Bây giờ Tòa án có xử thu hồi lại tàu tôi đành chịu, theo “tàu 67” tôi kiệt quệ!”.
Ông Trần Mão, ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), cha của ngư dân Trần Văn Hạo, chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99029-TS bị Vietcombank Bình Định khởi kiện, nghẹn ngào chia sẻ: “Tháng 8.2015, nó (ông Hạo - PV) được Vietcombank Bình Định cho vay hơn 17 tỷ đồng để đóng tàu tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu (TP Hải Phòng). Nhưng tàu đóng xong hoạt động không hiệu quả, lại thường bị sự cố hỏng máy. Để có tiền tu bổ, sửa chữa tàu nó liều lĩnh vay nóng, từ đó lãi mẹ đẻ lãi con nên nó lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Cuối năm 2019, nó đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng của tỉnh cùng phía ngân hàng cho vay xin trả lại tàu và dẫn vợ con rời khỏi địa phương. Đến giờ, gia đình cũng không biết nó ở đâu!”.
Theo ông Thái Văn Năm, Giám đốc Vietcombank Bình Định, đơn vị cho 2 chủ “tàu 67” vay với tổng dư nợ đến nay hơn 35 tỷ đồng. Do nợ xấu phát sinh nên buộc phải khởi kiện để phát mại tài sản thu hồi nợ. Với tài sản là tàu cá, giá trị con tàu sẽ giảm xuống qua thời gian hoạt động, đến khi thu hồi tàu, các ngân hàng lại phải tốn thêm nhiều chi phí trông coi, bảo quản để phát mại tài sản.
Tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân trong tỉnh neo đậu tại cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát).
Ngân hàng NN&PTNT - Chi nhánh Bình Định (Agribank Bình Định) cho 12 chủ tàu vay với tổng dư nợ đến nay là 149,3 tỷ đồng. Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agribank Bình Định, cho biết: “Hiện chỉ có 3 chủ tàu trả nợ tốt, còn lại 9 chủ tàu trả nợ cầm chừng, thậm chí có người không trả nợ. Với 9 chủ tàu này, nếu không thực hiện cam kết trả nợ sẽ được chuyển sang nợ xấu trong quý III/2020 và chúng tôi sẽ phải khởi kiện để thu hồi nợ vay”.
Quyết liệt thực hiện
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến nay, có 54/61 “tàu 67” hoạt động khai thác thủy sản (còn lại 4 tàu bị chìm, 3 tàu làm dịch vụ hậu cần nằm bờ). Trong số này, các tàu vỏ composite hoạt động hiệu quả cao nhất với 87,5% số tàu có lãi; 66% tàu vỏ thép hoạt động có lãi; kém hiệu quả nhất là tàu vỏ gỗ với 25% tàu hoạt động có lãi.
Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp các đơn vị liên quan, ngành Ngân hàng để đôn đốc các chủ tàu trả nợ vay. Tăng cường giám sát sản lượng thủy sản khai thác của các tàu tại các cảng cá để nắm bắt tình hình sản xuất; tiếp tục tăng cường công tác quản lý tàu cá để tránh thất thoát tài sản; hỗ trợ giới thiệu các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhận chuyển nhượng tàu khi ngân hàng phát mại tài sản.
Các địa phương cũng đã vào cuộc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh. Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Hồ Ngọc Chánh cho hay: “UBND huyện đã có cuộc họp với đại diện các ngân hàng cho vay, chính quyền các địa phương để thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh ban hành. Chúng tôi đã chỉ đạo các ngành liên quan của huyện, các địa phương phối hợp các ngân hàng thành lập tổ công tác thu hồi nợ vay theo Nghị định 67 để tuyên truyền ngư dân trả nợ, thực hiện cương quyết các giải pháp thu hồi nợ vay”.
Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, toàn tỉnh hiện có 62 chủ tàu được ký hợp đồng tín dụng cho vay với tổng số tiền 921 tỷ đồng để đóng mới tàu cá theo Nghị định 67. Tính đến cuối tháng 6.2020, tổng dư nợ cho vay của 60 chủ tàu là 864 tỷ đồng; trong đó, có 49 chủ tàu nợ quá hạn 290 tỷ đồng (139 tỷ đồng tiền gốc, 151 tỷ đồng tiền lãi). Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nguyễn Trà Dương cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các ngân hàng phối hợp với các sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi nợ của UBND tỉnh ban hành. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì báo cáo Ngân hàng Nhà nước tỉnh để báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo gỡ vướng. Đến nay thì các ngân hàng đang triển khai thực hiện và chưa thấy có báo cáo về vướng mắc”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN