“Thảo thơm” và “hiếu thảo”
Hai từ này có liên quan gì không? Thưa rằng có. Thảo thơm hay thơm thảo giống hiếu thảo ở yếu tố thảo. Hiếu và hiếu thảo thì ai cũng rõ nhưng hình vị còn lại thảo nghĩa là gì? Nhiều người biết thảo với nghĩa là “cỏ” như trong các từ thảo mộc, thảo nguyên, thảo cầm viên. Nhưng “cỏ” thì liên quan gì đến “hiếu”?
Trong văn chương trung đại, điển “tấc cỏ” được dùng để chỉ lòng hiếu, như Truyện Kiều có câu Hạt mưa sá nghĩ phận hèo/ Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân. Điển này xuất phát từ hai câu cuối trong bài Du tử ngâm của Mạnh Giao: Thùy ngôn thốn thảo tâm/ Báo đắc tam xuân huy (Ai bảo tấc lòng của cỏ/ Báo đáp được [ơn tưới tắm của] ánh mặt trời ba tháng xuân; ý muốn nói tấm lòng đơn sơ của con cái làm sao đền đáp được công ơn lớn lao của đấng sinh thành).
Cùng với thảo tâm, tiếng Hán còn có thành ngữ phương thảo chi tâm (tấm lòng cỏ thơm). Vào Tiếng Việt, thảo không được dịch thành “cỏ”, cho nên câu trên được chuyển dịch thành “lòng thảo thơm”. Dần dần, yếu tố “lòng” bị lược đi, chỉ còn thảo thơm hoặc thơm thảo. Chưa dừng lại, yếu tố “thơm” đôi lúc cũng bị lược luôn, chỉ còn duy một thảo. Thảo ban đầu được dùng như hiếu cho nên mới có tổ hợp hiếu thảo. Về sau, thảo lại mở rộng nghĩa để chỉ tính chất “biết ăn ở phải đạo, quan tâm chăm sóc cha mẹ và nói chung người bề trên trong gia đình” (như dâu hiền rể thảo), rồi rộng hơn “có lòng tốt, hay nhường nhịn, chia sẻ cho người khác” (thảo ăn, thảo lảo).
Ngoài nghĩa “cỏ”, thảo (bộ thảo) còn có nhiều nghĩa khác, ví như: 1. “Bản viết chưa hoàn chỉnh, chưa sửa chữa” (như bản thảo); nghĩa động từ “soạn ra, viết ra” (khởi thảo, thảo hịch, thảo một trang); nghĩa mở rộng “mới mở đầu, còn sơ bộ, chưa định hình” (dự thảo); 2. Một lối viết chữ nhanh ra đời từ thời Hán. Các ngữ “chữ thảo”, “viết tháu” trong Tiếng Việt bắt nguồn từ chữ thảo này.
Còn thảo trong thảo luận, hội thảo và thảo phạt, nam chinh bắc thảo là chữ thảo (bộ ngôn) có nghĩa “dò xét, nghiên cứu”, “đánh, trừng phạt”.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ